Những điểm mới của Thông tư số 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh là một bước tiến đột phá trong hiện đại hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện trải nghiệm của người bệnh.
Theo thông tư, danh mục 252 bệnh mạn tính không chỉ gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rối loạn lo âu, trầm cảm... mà còn mở rộng sang nhiều bệnh khác như virus viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy tuyến giáp, suy tuyến yên, rối loạn nội tiết. Hay các bệnh máu và miễn dịch như tan máu bẩm sinh (thalassemia), thiếu máu tan máu, xơ cứng cột bên teo cơ, parkinson, alzheimer, sa sút trí tuệ...
 |
Ảnh minh họa |
Việc áp dụng kê đơn thuốc cho người bệnh theo Thông tư 26 không chỉ nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ, nhân viên y tế mà còn giảm bớt được áp lực của bệnh nhân khi tới khám, chữa bệnh, nhận thuốc về điều trị, nhất là với những bệnh nhân sinh sống tại các địa phương xa.
Trước đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã cho phép kéo dài thời gian cấp phát thuốc nhằm giảm bớt việc đi lại và nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh. Đến nay, chính sách này được chính thức hóa qua Thông tư 26, mang lại nhiều thuận lợi thiết thực, cả cho người bệnh và đội ngũ y tế.
Chị Lê Thị T. (43 tuổi, ở Hưng Yên) chia sẻ: “Năm 2024, tôi được chẩn đoán ung thư và điều trị tại Bệnh viện K. Theo lịch tái khám, cứ 3 tháng tôi đều tới Bệnh viện nhưng thuốc điều trị phải lấy theo từng tháng. Mỗi tháng đều phải xin nghỉ một ngày để lên Hà Nội vào viện lấy thuốc, thực sự rất mệt mỏi. Lần này đi khám, được Bệnh viện thông báo thực hiện thông tư mới của Bộ Y tế về việc cấp phát thuốc cho người bệnh, tôi được phát thuốc 3 tháng một lần, thực sự vui sướng, phấn khởi. Giờ tôi không còn phải lo lắng về việc mỗi tháng phải di chuyển lên Hà Nội lấy thuốc, không phải mệt mỏi, áp lực mỗi lần vào viện, chờ đợi lâu, tốn kém chi phí đi lại”.
Cùng niềm vui chung đó, chị Nguyễn Thị M. (Tuyên Quang) cho biết: “Tôi bị ung thư và đã phẫu thuật năm 2023. Tình trạng của tôi hiện đã ổn định nên chỉ tới khám định kỳ 3 tháng một lần. Nhưng hằng tháng tôi vẫn phải xin nghỉ một ngày để đến Bệnh viện lấy thuốc. Khi nhận được thông tin bệnh nhân được lấy thuốc 3 tháng/lần, tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác rất vui mừng. Bởi đó là nguyện vọng, mong muốn từ rất lâu của mỗi người bệnh, đặc biệt là những người ở khu vực ngoại tỉnh như chúng tôi”.
Không chỉ người bệnh, nhiều bác sĩ cũng cho biết đây là một thay đổi tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực không những cho người bệnh mà cho cả cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ. Người bệnh có thể giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí. Các bác sĩ có nhiều thời gian để khám và tư vấn kỹ hơn cho bệnh nhân. Chi phí vận hành bệnh viện cũng giảm đi. Như vậy bệnh viện không chỉ giảm quá tải, mà về kinh tế cũng có nhiều lợi ích.
YẾN NHI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.