Tận tâm chăm sóc, trọn nghĩa vẹn tình
Kể từ khi thành lập, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành đã tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 1.000 lượt thương binh, bệnh binh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm luôn tận tâm, hết lòng phục vụ, xem đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự tri ân sâu sắc đối với những người đã cống hiến vì Tổ quốc.
Trong số những người thầy thuốc đang ngày đêm tận tâm chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân tại trung tâm, bác sĩ Ngô Huy Phô, Trưởng phòng Y tế Phục hồi chức năng, là một minh chứng cho sự hy sinh và lòng nhân ái cao cả. Với 17 năm gắn bó với trung tâm, bác sĩ Phô không chỉ là một người thầy thuốc giỏi chuyên môn, mà còn là người bạn, người con, luôn cố gắng thấu hiểu và sẻ chia nỗi đau của các thương binh, bệnh binh.
Nhắc về những ngày đầu nhận nhiệm vụ, bác sĩ Phô không khỏi xúc động trước những cảnh đời tại Trung tâm: "Khi về đây, tôi thấy các bác ở đây gần như phải ngồi trên xe lăn, xe lắc. Đó là phương tiện thay thế hoàn toàn cho đôi chân của các bác. Thế nhưng, dù suốt ngày phải ngồi trên xe, chỉ đôi tay là hoạt động, các bác vẫn tự nấu ăn, tự vệ sinh và chăm sóc bản thân được”.
Chính sự khâm phục và kính trọng các thương binh, bệnh binh đã thôi thúc bác sĩ Ngô Huy Phô trăn trở phải làm sao để chăm sóc cuộc sống cho những thế hệ thời trước một cách thật chu toàn.
 |
Bác sĩ Ngô Huy Phô, Trưởng phòng Y tế Phục hồi chức năng, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) thăm khám cho bệnh nhân. |
Tại Trung tâm này, bệnh nhân có thói quen sinh hoạt khác biệt: Ăn tối từ 4 giờ rưỡi chiều, đi ngủ từ 6 giờ tối và đến nửa đêm đã thức dậy. Trong trạng thái bình thường, họ vẫn luôn vui vẻ, dễ tính với các y, bác sĩ, nhưng vào những ngày trở trời, khi vết thương cũ tái phát, cơn đau hành hạ, khiến giấc ngủ không trọn vẹn, công việc chăm sóc người bệnh mới thực sự vất vả.
“Bệnh nhân thức, chúng tôi thức; bệnh nhân ngủ, chúng tôi cũng không dám lơ là” - đó là câu nói mà hầu như y, bác sĩ nào ở đây cũng thấm thía. Những đêm trực kéo dài, có khi chưa kịp chợp mắt, các bác sĩ đã phải chạy vội đến từng phòng kiểm tra tình trạng của các thương binh, bệnh binh.
“Có người đau quá, rên rỉ suốt đêm, có người thậm chí phải cấp cứu ngay trong lúc ngủ. Một kíp trực thường kéo dài từ tối đến sáng, nhưng thực tế là không có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa, bởi chỉ cần một tiếng gọi, một cơn đau bất chợt của bệnh nhân, bác sĩ lập tức phải có mặt”, bác sĩ Phạm Thị Pha, Phó trưởng phòng Y tế Phục hồi chức năng của Trung tâm chia sẻ.
Những ngày trở trời, áp lực công việc càng lớn hơn. Vết thương cũ của các bác phản ứng dữ dội với thời tiết, gây đau nhức dai dẳng. Do đó, các bác sĩ không chỉ điều chỉnh thuốc giảm đau, theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe, mà còn cần dành thời gian trấn an tinh thần, giúp bệnh nhân vơi bớt lo lắng và mệt mỏi.
Từ thời chiến tranh, một số thương binh, bệnh binh đã từng sử dụng morphin - một chất hướng thần gây nghiện nhằm giảm đau. Tuy nhiên, những cơn đau dai dẳng như giằng xé da thịt vẫn liên tục lặp đi lặp lại. Vì thế, khi quá sức chịu đựng, một số bệnh nhân có thể mất kiểm soát, xin thêm thuốc ngoài quy định, thậm chí tìm cách để lấy thêm. “Với bác sĩ nữ như tôi, đây là một thử thách, vì không thể cứng rắn bằng các đồng nghiệp nam trong những tình huống này”, bác sĩ Pha bộc bạch.
Ngoài phương pháp điều trị bằng thuốc, các y, bác sĩ tại Trung tâm đã tìm kiếm thêm những phương pháp điều trị khác để hỗ trợ cho bệnh nhân, trong đó, liệu pháp tâm lý đóng vai trò quan trọng. Những cơn đau do di chứng chiến tranh để lại không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, mà còn tác động mạnh đến tinh thần của các bệnh nhân. Có những bác thương binh phải chịu những cơn đau thấu xương tái phát mỗi khi thay đổi thời tiết, khiến cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.
Các y, bác sĩ tại Trung tâm đều hiểu rằng thuốc giảm đau chỉ có thể hỗ trợ phần nào, nhưng để giúp các bác có tinh thần thoải mái hơn, thì quan trọng nhất vẫn là chia sẻ và lắng nghe. Vì thế, ngoài việc thăm khám và điều trị hằng ngày, các y, bác sĩ thường xuyên trò chuyện với các bác để giúp họ khuây khỏa. Những câu chuyện về gia đình hay những kỷ niệm thời chiến và những đồng đội đã cùng vào sinh ra tử… tất cả đều trở thành "sợi dây" kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, giao lưu văn nghệ, đọc sách, xem phim tư liệu, để giúp các bác tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Những sáng kiến này không chỉ giúp giảm đi cảm giác đau đớn, mà còn xóa nhòa sự cô đơn, mang lại tình cảm gắn kết giữa những người đồng đội năm xưa.
 |
Bác sĩ Phạm Thị Pha, Phó trưởng phòng Y tế Phục hồi chức năng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành tiêm thuốc bổ cho thương binh nặng.
|
“Nhiều khi chỉ cần nhắc lại những câu chuyện ngày xưa, kể về những trận đánh oanh liệt, những đồng đội cũ, là các bác quên đi phần nào cơn đau. Lúc ấy chúng tôi chỉ ngồi nghe, gật gù tán thưởng, nhưng chính những phút giây ấy lại là liều thuốc tinh thần giúp các bác phấn chấn hơn,” bác sĩ Phạm Thị Pha cảm động nói.
|
Ngôi nhà của sự gắn kết
Bà Mai Thị Hường (79 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) luôn dành sự trân trọng và biết ơn sâu sắc đối với đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm.
Ở tuổi gần 80, sức khỏe không còn được như trước, mỗi lần trái gió trở trời là một lần cơ thể bà đau nhức, mệt mỏi. Nhưng nhờ sự quan tâm, tận tình của các bác sĩ, bà luôn cảm thấy yên tâm: “Ở đây, các bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn hết lòng vì chúng tôi. Chỉ cần thấy họ tận tâm, nhiệt tình điều trị là chúng tôi đã vui rồi”.
Là người đã gắn bó lâu với Trung tâm, ông Lê Đức Luân (quê ở Vĩnh Phúc) cũng rất xúc động khi nhắc lại những năm tháng sống tại đây. Với tỷ lệ thương tật lên tới 92%, việc sinh hoạt hằng ngày đối với ông quả là khó khăn, nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, cuộc sống của ông phần nào trở nên nhẹ nhàng hơn. Ông chia sẻ: “Tôi bị thương rất nặng, sức khỏe ngày càng yếu, nhưng ở đây, các bác sĩ không chỉ chữa bệnh mà còn luôn lắng nghe, chia sẻ, động viên tinh thần. Họ tận tụy như những người con chăm sóc cha mẹ. Nhờ có họ mà chúng tôi mới có thể sống vui, sống khỏe đến ngày hôm nay.”
Đáp lại tình cảm của các thương binh, bệnh binh, đồng chí Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành cảm thấy vinh dự khi được thực hiện sứ mệnh chăm sóc các bác thương binh, bệnh binh. Đồng chí chia sẻ: "Các bác đã cống hiến, không tiếc máu xương, để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc. Vậy thì trách nhiệm của chúng tôi là chăm sóc, hỗ trợ các bác như góp một phần công sức tri ân tới thế hệ cha ông. Ngoài công việc chuyên môn, tôi cùng toàn thể anh em đồng nghiệp luôn cố gắng gần gũi, nói chuyện, tâm sự với các bác. Các bác ấy coi Trung tâm là nhà, nên Trung tâm cũng luôn coi các bác như là người thân trong gia đình”...
Quả thực, khi đến đây, chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm gắn bó ấy không đơn thuần là giữa thầy thuốc và bệnh nhân, mà đó còn là trách nhiệm của thế hệ sau dành cho thế hệ cha anh đi trước. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cũng như những áp lực về công việc và cuộc sống, đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành vẫn luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, ngày đêm tận tụy chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Họ không chỉ là những người thầy thuốc mà còn là những người con, người cháu hiếu thảo, luôn yêu thương, trân trọng và biết ơn thế hệ đi trước đã không tiếc thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bài, ảnh: HÀ PHƯƠNG - THÚY HIỀN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.