Thông tư 13 nêu rõ, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chậm nhất vào ngày 30-9-2025. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có người bệnh điều trị nội trú, điều trị ban ngày và điều trị ngoại trú triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12-2026.
 |
Ảnh minh họa: VGP |
Một trong những thông tin được nhiều người dân quan tâm nhất là liệu bệnh án giấy có còn được sử dụng hay không khi hồ sơ điện tử được triển khai. Theo Điều 5 của Thông tư số 13/2025/TT-BYT, Bộ Y tế đã quy định rõ các điều khoản chuyển tiếp nhằm bảo đảm sự linh hoạt và liên tục trong quá trình điều trị. Cụ thể, đối với những người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh trước ngày 21-7-2025 và sẽ ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau ngày này, nếu đang sử dụng hồ sơ bệnh án lập bằng giấy, họ sẽ tiếp tục được áp dụng hồ sơ bệnh án giấy cho đến khi hoàn tất quá trình điều trị. Quy định này chỉ có ngoại lệ nếu cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng và quyết định chuyển đổi hồ sơ của họ sang định dạng điện tử. Đối với các hồ sơ bệnh án đã được lập bằng giấy trước ngày 21-7-2025, thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh sẽ là người quyết định việc chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu điện tử, căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở. Việc chuyển đổi này phải bảo đảm tuân thủ các quy định tại Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23-10-2024 của Chính phủ về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Thông tư cũng quy định chi tiết về việc sử dụng và ghi chép hồ sơ bệnh án. Về sử dụng, cơ sở khám, chữa bệnh có thể sử dụng hồ sơ bệnh án theo hình thức giấy hoặc điện tử. Đối với các cơ sở áp dụng bệnh án điện tử, phải bảo đảm có đầy đủ nội dung các trường thông tin theo quy định của hồ sơ bệnh án. Về ghi chép, hồ sơ bệnh án phải được ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ các thông tin liên quan đến khám bệnh, cận lâm sàng, thăm dò chức năng, quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và những thông tin khác trong quá trình chữa bệnh. Việc ghi chép phải tuân thủ các nội dung và hướng dẫn chuyên môn đã được ban hành, sử dụng từ ngữ rõ ràng, khoa học, trình bày dễ hiểu, dễ đọc.
Ngoài ra, việc kết nối thông tin của hồ sơ bệnh án điện tử với số định danh cá nhân của công dân Việt Nam và người nước ngoài đã được cấp tài khoản định danh điện tử theo quy định pháp luật về căn cước. Việc này đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, dữ liệu, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân và lưu trữ dữ liệu, cũng như quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu điện tử của cơ quan nhà nước.
HÀ VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.