Để mọi trẻ đều được hưởng dinh dưỡng từ sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu trong việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời là can thiệp hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa tử vong và bệnh tật trẻ em. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân không được tiếp cận sữa mẹ đẻ trong những ngày đầu đời vì nhiều lý do.

leftcenterrightdel

Sữa mẹ hiến tặng được bảo quản cẩn thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm khoảng 20%), và sữa mẹ là giải pháp có thể phòng ngừa tỷ lệ báo động này. Tuy nhiên, khi trẻ sinh non, nhẹ cân hay có bệnh lý, trẻ thường phải điều trị tách mẹ và không hoặc ít có cơ hội tiếp cận với sữa của mẹ đẻ. Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cũng giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi và bệnh võng mạc mắt ở trẻ. Não bộ của trẻ được bảo vệ tốt hơn, ít tổn thương hơn so với trẻ chỉ được nuôi bằng sữa công thức. Bởi vậy, nghĩa cử hiến sữa mẹ đã và đang đóng góp vào việc cứu sống hàng triệu trẻ sơ sinh có nguy cơ về sức khỏe và hỗ trợ các bậc cha mẹ duy trì nuôi con bằng nguồn dinh dưỡng tốt nhất.

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân, trong đó có khoảng 35.000 trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý có nhu cầu sử dụng sữa mẹ hiến tặng. Nhận thấy yêu cầu cấp thiết này, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên được Bộ Y tế thiết lập thí điểm vào năm 2017 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, và sau đó mở rộng thành 7 bệnh viện trên phạm vi 6 tỉnh, thành phố. Các ngân hàng sữa mẹ hoạt động với phương châm nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm cung cấp sữa mẹ hiến tặng đã qua thanh trùng cho những trẻ sơ sinh không có cơ hội được bú mẹ do phải điều trị hoặc mẹ có vấn đề về sức khỏe.

Giá trị như “thuốc”

Mọi bà mẹ đều có quyền được cho con bú mọi lúc, mọi nơi, nhưng nhiều nơi lại không có khu cho trẻ bú được kín đáo, sạch sẽ. Rất nhiều bà mẹ mong muốn ở nơi công cộng cần có không gian riêng tư, sạch sẽ để cho con bú hay vắt sữa.

"Tôi thấy khó khăn mỗi khi phải tìm nơi vắt sữa tại khu vực công cộng rộng lớn như sân bay, trung tâm mua sắm. Nhiều lúc, tôi phải vắt sữa hoặc cho con bú trong nhà vệ sinh, rất khó khăn và bất tiện", một bà mẹ chia sẻ. Thấu hiểu những khó khăn của các bà mẹ khi cho con bú tại nơi công cộng, mới đây, sân bay quốc tế Đà Nẵng lắp đặt 6 phòng nuôi con bằng sữa mẹ ở gần cổng ra vào và ghế chờ, giúp bà mẹ cho con bú hoặc vắt sữa thuận tiện. 6 phòng này có hình dáng chiếc nôi đẩy, được bố trí gần khu vực rửa tay nhưng cách xa nhà vệ sinh, có tường cách âm để hạn chế tiếng ồn, trang bị quạt và bàn ghế ngồi thoải mái.

leftcenterrightdel
Xét nghiệm sữa mẹ hiến tặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương để bảo đảm trẻ được hưởng nguồn sữa chất lượng.

Bà Vũ Hoàng Dương, Quản lý Chương trình Việt Nam, Alive & Thrive (dự án nhằm cứu sống, ngăn ngừa bệnh tật và đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của bà mẹ và trẻ em) Đông Á Thái Bình Dương chia sẻ: “Sữa mẹ thực sự rất quý, những trẻ nhẹ cân, non tháng có cơ thể chưa hoàn thiện, sữa mẹ càng có giá trị như thuốc”.

Khi một người mẹ đăng ký hiến sữa tại mạng lưới ngân hàng sữa mẹ, họ sẽ được sàng lọc để đảm bảo có sức khỏe tốt, âm tính với một số bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, C, giang mai. Sữa mẹ được thu thập tại nhà người hiến tặng hoặc tại các bệnh viện nơi đặt ngân hàng sữa mẹ, thanh trùng ở 62,5 độ C trong 30 phút, làm lạnh nhanh xuống 4 độ C, rồi được bảo quản ở tủ đông với nhiệt độ -20 độ C trở xuống. Cả trước và sau khi thanh trùng, sữa đều được xét nghiệm vi sinh để loại đi các mẻ sữa không đạt. Đây là phương pháp phổ biến nhất được sử dụng để thanh trùng sữa mẹ hiến tặng tại các ngân hàng sữa mẹ trên khắp thế giới, giúp đảm bảo an toàn vi sinh và vẫn giữ được các thành phần sinh học tự nhiên trong sữa mẹ như đạm, kháng thể và vitamin.

Tính tới năm 2023, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ Việt Nam đã cung cấp 30.000 lít sữa mẹ hiến tặng thanh trùng từ 4.000 bà mẹ cho hơn 55.000 trẻ sơ sinh và chưa ghi nhận một trường hợp nào sử dụng sữa có biến cố bất lợi.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: "Chúng ta cần sức mạnh từ cả tập thể để có thể thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ. Chính vì vậy, Bộ Y tế và các đối tác đã triển khai các dự án như: Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, ngân hàng sữa mẹ, cùng các sáng kiến hỗ trợ lao động nữ tại nơi làm việc, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người mẹ có thể duy trì nuôi con bằng sữa mẹ trong mọi hoàn cảnh. Những sáng kiến như phòng vắt sữa và cho con bú tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng và các khu vực công cộng khác cũng đang đóng góp tích cực vào những nỗ lực tập thể này".

Hiện nay, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam bao gồm 5 ngân hàng sữa mẹ tại các bệnh viện: Nhi Trung ương, Sản - Nhi Quảng Ninh, Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Hùng Vương, Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại các bệnh viện: Đa khoa tỉnh Quảng Nam và quốc tế Phương Châu (Thành phố Cần Thơ).

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.