Chị Nguyễn Thị Phượng (Hà Nội) tâm sự, con chị sinh non lúc 28 tuần tuổi, bé sinh ra chỉ nặng 900g. Do mắc Covid-19 nên sau khi sinh, chị Phượng chưa có sữa cho con bú. “Tôi rất lo lắng khi không có sữa cho con, nhưng rất may khi con chuyển sang Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã được các y, bác sĩ chăm sóc và được ăn sữa mẹ từ ngân hàng sữa mẹ của bệnh viện”, chị Phượng chia sẻ.
Chị Khánh Ly, người đã hiến sữa cho ngân hàng sữa mẹ cho biết: “Tôi có con sinh non 25 tuần điều trị tại bệnh viện. Hằng ngày, nhìn các bé sinh non bị các bệnh về đường ruột, hô hấp, nằm lồng kính mà không được bú sữa mẹ, tôi thấy rất thương và muốn chia sẻ sữa của mình tới các con”. Hiện con của chị Khánh Ly đã được 7 tháng tuổi, chị vẫn tiếp tục hiến sữa cho ngân hàng sữa mẹ.
 |
Một trẻ sinh non tại Bệnh viện Nhi Trung ương được uống sữa mẹ từ ngân hàng sữa mẹ. Ảnh: LÊ HIẾU |
Theo bác sĩ Lê Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương), sau 4 tháng hoạt động thử nghiệm, ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện đã nhận được 600 lít sữa mẹ hiến tặng từ 38 sản phụ có con đang điều trị tại bệnh viện. Nhờ vậy, ngân hàng sữa mẹ đã cung cấp sữa mẹ sau khi thanh trùng cho 280 trẻ, trong đó có 20 trẻ bị nhiễm Covid-19, hoặc trẻ có mẹ bị nhiễm Covid-19 nặng không thể cho con bú.
Bác sĩ Lê Thị Hà thông tin thêm, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho khoảng 4.500 đến 5.000 trẻ sinh non, nhẹ cân, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh... cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng điều trị, hỗ trợ cho quá trình hồi phục. Nhưng do trẻ được điều trị tại bệnh viện khác nên khi chuyển viện thường không có mẹ đi cùng hoặc mẹ bị bệnh nặng cần điều trị tại bệnh viện sản..., trẻ chưa có sữa mẹ kịp thời đã làm chậm quá trình dinh dưỡng đường ruột. Các nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ thanh trùng dùng thay thế tạm thời sữa mẹ đẻ giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong vòng 28 ngày đầu đời, giảm thời gian nằm viện 15 ngày, giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch tới 10 ngày so với sữa công thức.
Nhận thấy sự cần thiết của sữa mẹ và thấu hiểu những thiệt thòi khi trẻ sơ sinh không được bú mẹ, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chính thức hoàn thành ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Hà Nội với sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế, sự hỗ trợ của Chính phủ Ireland cùng sự tài trợ của các tổ chức Alive & Thrive và Newborns Việt Nam. Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: “Sữa mẹ thanh trùng được xem là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện. Ngân hàng sữa mẹ ra đời nhằm bảo đảm cho tất cả trẻ em đang điều trị tại bệnh viện, chưa thể bú mẹ trực tiếp, có thể hồi phục sức khỏe nhanh hơn".
Bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) thông tin: “Quy trình vận hành các ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam được xây dựng dựa trên những chuẩn mực của quốc tế, những quy định trong Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ của Bộ Y tế, bao gồm các bước xét nghiệm sữa mẹ hiến tặng trước và sau thanh trùng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ sơ sinh. Các bà mẹ đăng ký hiến sữa cũng phải bảo đảm tốt các tiêu chí về sức khỏe, trong đó có cả yêu cầu xét nghiệm máu định kỳ”. Thời gian tới, ngân hàng sữa mẹ có thể tăng công suất hoạt động, cung cấp sữa mẹ thanh trùng cho các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng...".
DIỆP CHÂU