Nghiên cứu 48 mẫu sữa của 32 bà mẹ nhiễm Covid-19 chưa tìm thấy virus SARS-CoV-2 trong sữa mẹ. Nuôi con bằng sữa mẹ thì gia đình không phải chi tiêu cho sữa bột, ước tính lên đến 12% thu nhập của một hộ gia đình có con dưới 2 tuổi. Ở Việt Nam, một trong những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi Covid-19 là người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, nhất là lao động nữ, rất nhiều người đối mặt với giảm thu nhập và mất việc làm. “Từ tháng 3 tới giờ, đơn hàng không có, công ty chúng tôi giảm nửa lương. May mà ở xưởng có chỗ vắt sữa nên còn duy trì được sữa cho con, không thì mỗi tháng lấy đâu ra 800.000 đồng mua sữa bột cho con”, chị Nguyễn Thị N, nữ công nhân một công ty giày da ở Đồng Nai chia sẻ.
Theo tính toán của Dự án Alive & Thrive (Nuôi dưỡng và phát triển) tại Việt Nam năm 2020, nếu quy định bắt buộc tất cả “người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ” phải thiết lập phòng vắt trữ sữa, thì tổng chi phí phát sinh ở cấp độ toàn xã hội là khoảng 442 tỷ đồng; trong khi đó, xã hội tiết kiệm được ít nhất 2.000 tỷ đồng mỗi năm từ việc các gia đình không phải mua sữa bột cho trẻ.
 |
Phòng vắt và trữ sữa cho công nhân nữ tại Công ty TNHH Điện Tử Meiko Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN AN.
|
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại lợi ích cho bà mẹ và trẻ em mà còn rất có lợi đối với người sử dụng lao động. Lao động nữ có thể duy trì cho con bú khi đi làm họ sẽ thấy an tâm, tập trung cho công việc và cam kết với nơi mình làm việc. Tỷ lệ giữ chân lao động ở doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nghỉ thai sản tốt là 94%, gần gấp đôi tỷ lệ của tất cả các doanh nghiệp nói chung (59%). Lao động nữ làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nghỉ thai sản tốt cảm thấy hài lòng, gắn kết với doanh nghiệp cao hơn gấp 3 lần, từ đó năng suất lao động cao hơn. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ còn góp phần giảm thời gian nghỉ trông con ốm của lao động nữ. Nghiên cứu cho thấy, lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ có xu hướng nghỉ trông con ốm ít hơn ba lần so với lao động nữ không nuôi con bằng sữa mẹ.
Một khảo sát khác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 20 doanh nghiệp và 1.000 lao động nữ ở 10 tỉnh, thành phố cũng cho thấy: Gần 100% người lao động tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tốt và ủng hộ quy định “Mỗi doanh nghiệp nên có tối thiểu một phòng vắt, trữ sữa”. Chi phí trung bình cho việc thiết lập 1 phòng vắt, trữ sữa chỉ khoảng 15 đến 20 triệu đồng; 95% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi trả được.
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng chính là một cách thức để đạt được bình đẳng giới tốt hơn. Cho con bú mẹ hoàn toàn và thường xuyên được chứng minh là làm giảm khả năng mang thai, giúp phụ nữ kế hoạch hóa gia đình một cách an toàn. Nhờ tránh có thai ngoài kế hoạch và giãn khoảng cách giữa hai lần sinh con, phụ nữ có thể học tập và làm việc chủ động hơn; có thu nhập ổn định và cao hơn.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí y học uy tín The Lancet cuối tháng 7-2020 cảnh báo rằng có thể có thêm 6,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới bị suy dinh dưỡng cấp tính do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế-xã hội toàn cầu. Nếu các quốc gia không hành động khẩn cấp, cuối năm nay sẽ có đến 54 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng, tăng trưởng và cơ hội học tập của những trẻ em này. Thực hành được WHO, UNICEF và các tổ chức quốc tế công nhận là hiệu quả nhất về mặt sức khỏe và chi phí để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em chính là nuôi con bằng sữa mẹ.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2015/NĐ-CP. “Sau 5 năm Nghị định số 85 ra đời với quy định khuyến khích thiết lập phòng vắt, trữ sữa tại nơi làm việc chỉ làm tăng từ 70 lên 500 cơ quan, doanh nghiệp có phòng vắt sữa. Đã đến lúc đưa quy định này thành bắt buộc”, Bà Đỗ Hồng Vân, Phó trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ ý kiến.
Bà Phan Thị Hồng Linh, Phó giám đốc Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á cho biết: “Mạng lưới các tổ chức xã hội Vì Dinh dưỡng Việt Nam gồm 13 tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước cũng kiến nghị Chính phủ cần quy định bắt buộc. Nếu tất cả các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thiết lập phòng vắt, trữ sữa, ước tính có 4,9 triệu lao động nữ và khoảng 140 nghìn trẻ được hưởng lợi mỗi năm”.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ: “Nhà nước và doanh nghiệp cần mạnh mẽ hơn nữa bảo vệ và thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ. Hành động thiết thực nhất mỗi doanh nghiệp có thể làm là tạo một không gian riêng tư tại nơi làm việc cho lao động nữ vắt, trữ sữa, duy trì nuôi con bằng sữa mẹ”.
Bác sĩ NGUYỄN THỊ AN (Giám đốc quốc gia - Tổ chức HealthBridge Canada, đồng Chủ tịch Mạng lưới các tổ chức xã hội Vì Dinh dưỡng Việt Nam)