Phóng viên (PV): Nâng cao y tế cơ sở là nhiệm vụ xuyên suốt để thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế, ông đánh giá như thế nào về nhiệm vụ này trong tình hình hiện nay?

PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng: Củng cố và hoàn thiện, nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vừa là nhiệm vụ, vừa là quá trình vận động, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn. TP Hồ Chí Minh đã có nhiều thành quả, kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nâng cao năng lực y tế thời gian qua, qua đó cho thấy vai trò của hệ thống y tế cơ sở, nhất là đội ngũ bác sĩ gắn với cơ sở là rất lớn. Do đó, phải tập trung đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở, nhất là đầu tư trang thiết bị, thuốc men, bổ sung đội ngũ y, bác sĩ đạt chuẩn, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh ban đầu, phòng, chống dịch, điều trị... Ngành y tế TP Hồ Chí Minh xác định năm 2023 sẽ tập trung đột phá cho nhiệm vụ then chốt này.

PV: Tăng cường đội ngũ bác sĩ cho y tế cơ sở là chủ trương và giải pháp đúng đắn mà ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai từ năm 2022 và quyết tâm đột phá trong năm 2023, ông có thể nói rõ hơn về hoạt động này?

leftcenterrightdel
  PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng.

PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng: Bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở, nhất là đội ngũ bác sĩ giỏi nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu, triển khai các kỹ thuật y khoa ở ngay tuyến cơ sở. Điều này cũng góp phần rèn luyện chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ gắn với cơ sở nhất là ở độ tuổi còn trẻ. Thực ra chủ trương này không phải là mới, mà đã được ngành y tế thành phố triển khai hơn 10 năm nay căn cứ theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Điểm mới của TP Hồ Chí Minh là triển khai hoạt động này ở quy mô lớn hơn, đi vào chiều sâu, gắn với các quy định cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tế. Hiện nay, ngành y tế TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này, đặc biệt Sở Y tế thực hiện các nguồn nhân lực của trung tâm y tế quận/huyện và bệnh viện cấp quận/huyện lần lượt luân phiên đến các trạm y tế thiếu bác sĩ, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với bác sĩ tham gia luân phiên về cơ sở. Ngoài ra, trong năm 2022 và 2023, Sở Y tế còn phát động thêm mô hình “Luân phiên các bác sĩ tình nguyện” là đoàn viên đến công tác tại trạm y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, hiện nay đạt hiệu quả rất tốt, tạo được niềm tin đối với nhân dân.

PV: Luân phiên bác sĩ về cơ sở thể hiện những ý nghĩa và hiệu quả như thế nào thưa ông?

PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng: Có thể khẳng định rằng, việc bổ sung thêm số lượng bác sĩ công tác tại trạm y tế là vấn đề rất cần thiết và cần tiếp tục củng cố trong thời gian tới. Trạm y tế ở cơ sở có chức năng khám, chữa bệnh ban đầu gắn với phòng bệnh, quản lý sức khỏe nên khi bác sĩ được luân phiên đến đều tham gia các chức năng này. Bên cạnh khám, chữa bệnh, các bác sĩ còn tham gia triển khai truyền thông nhiều chương trình sức khỏe... Hiện nay, chúng tôi đang triển khai một cơ chế hoạt động cho trạm y tế theo phương châm không cào bằng tất cả trạm y tế như nhau, chỉ luân phiên bác sĩ đến nơi còn thiếu bác sĩ, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa... đặc biệt là ở các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi.

PV: Xin ông cho biết, tăng cường đội ngũ y tế xuống cơ sở thì đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến bệnh viện cấp quận, huyện và thành phố trực thuộc liệu có thiếu hụt không?

leftcenterrightdel

Các bác sĩ tình nguyện luân phiên về Trạm y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ trao đổi chuyên môn, nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: MINH TRÍ 

PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng: Phải nói rằng, việc triển khai hoạt động này được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và ngành y tế thành phố tính toán rất kỹ lưỡng, triển khai chặt chẽ. Bên cạnh bổ sung nguồn vốn để đẩy mạnh trang thiết bị y tế, xây dựng hạ tầng y tế cơ sở thì đội ngũ y, bác sĩ luân chuyển, tăng cường được tính toán, sắp xếp, bố trí hợp lý nhất. 10 năm trước, chúng ta còn lưỡng lự vì tỷ lệ số lượng bác sĩ/1 vạn dân còn thấp vì thiếu bác sĩ, tập trung ưu tiên đội ngũ bác sĩ cho các bệnh viện. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh xã hội hóa y tế, xây dựng phát triển mạnh mẽ hệ thống các trường đào tạo bác sĩ y khoa, tạo được nhân lực bác sĩ đáp ứng về chất lượng và trình độ chuyên sâu. Ước tính hằng năm, TP Hồ Chí Minh đào tạo hơn 1.000 bác sĩ và các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng có nhiều trường đào tạo bác sĩ. Do đó, tình trạng thiếu bác sĩ đã được cải thiện rất nhiều, hiện nay chỉ số bác sĩ/1 vạn dân của TP Hồ Chí Minh đã đạt ở mức 21 bác sĩ/1 vạn dân (cao nhất so với cả nước). Hiện nay, ngành y tế thành phố đủ sức để thực hiện chương trình này có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực khám, chữa bệnh ban đầu, góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.

MINH KIÊN (thực hiện)