Noi gương cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân Cồn Thoi, Kim Sơn đã tạo nên một phong trào hiến tặng giác mạc trong toàn vùng. Tính từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có 417 người hiến tặng giác mạc. Qua đó cổ vũ và hình thành một mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên nhiệt tình tham gia vận động, tuyên truyền về ý nghĩa của phong trào mang tính nhân văn sâu sắc này. Thông qua đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về công tác chăm sóc và bảo vệ đôi mắt nói chung cũng như về các vấn đề liên quan đến hiến tặng giác mạc và các bệnh lý về giác mạc nói riêng.

 Ghép giác mạc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng, phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ: “Từ điểm sáng phong trào hiến tặng giác mạc ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã được nhân dân các địa phương khác hưởng ứng, lan rộng trên toàn quốc, ngày càng nhiều địa phương có người hiến tặng giác mạc. Trong 16 năm qua (2007-2023), cả nước có hơn 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tặng giác mạc sau khi qua đời. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân bị mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng”.

Giác mạc sau khi thu nhận được bảo quản tại ngân hàng mắt và các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ tiến hành phẫu thuật ghép cho người mù do bệnh lý giác mạc. Một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho hai người mù... Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian. Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, vậy nên hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là hoạt động nhân đạo, mới phát triển những năm gần đây. Dù Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp cùng nhiều tổ chức đoàn thể, chính quyền, nhiều cơ quan thông tấn báo chí góp sức tuyên truyền, vận động; tuy nhiên nhiều nơi, nhiều người dân chưa hiểu rõ về hoạt động hiến tặng giác mạc, bên cạnh đó còn gặp nhiều trở ngại lớn từ quan niệm người dân, rào cản do tập tục, tín ngưỡng. Vì vậy, việc tuyên truyền về hoạt động này cần tiếp tục được đẩy mạnh để thay đổi nhận thức xã hội.

HÀ VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.