Lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND huyện Sóc Sơn về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại khi 3 ổ bệnh dại trên chó đã xuất hiện ở các xã Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân trên địa bàn huyện. Vì vậy, ngành y tế TP Hà Nội đề nghị UBND huyện Sóc Sơn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa bệnh dại cho động vật, tăng cường quản lý đàn chó, mèo và tiêm phòng 100% đối với chó, mèo nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y.
Tình hình bệnh dại trên động vật và trên người đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nếu không kiểm soát tốt, rất có thể thời gian tới sẽ có trường hợp bệnh nhân dại tử vong. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề xuất Sở Y tế TP Hà Nội kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y, các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật tại các huyện có nguy cơ cao như: Mê Linh, Đông Anh, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức... Riêng UBND huyện Sóc Sơn cần tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, giảm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
|
|
Tiêm vaccine phòng dại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: ĐẶNG THANH |
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Sở Y tế TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, công văn tăng cường phòng, chống bệnh dại; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách và các trung tâm y tế; kiểm tra, giám sát, xử lý, phòng, chống bệnh dại, truyền thông đến người dân, các ban, ngành, đoàn thể về các địa chỉ tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại trên địa bàn.
Theo bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương và thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.
Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
DIỆP CHÂU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.