Đào tạo bác sĩ có kiến thức của 2 nền y học

Theo Tiến sĩ Lê Mạnh Cường, việc kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong đào tạo và thực hành y tế tại Việt Nam là vấn đề cấp thiết để đào tạo được bác sĩ có được kiến thức của cả 2 nền y học. Việc tiến hành nghiên cứu khoa học, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và triển khai các mô hình kết hợp trong thực tiễn, xây dựng bộ tiêu chí chuẩn hóa năng lực bác sĩ y học cổ truyền là các bước quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.

Tiến sĩ Lê Mạnh Cường, Phó giám đốc Học viện Y - Dược cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Ảnh: NHƯ HIỂN 

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Học viện Y - Dược cổ truyền Việt Nam, mặc dù đã có nhiều chỉ đạo, nghị quyết và văn bản pháp lý về việc kết hợp hai nền y học, nhưng việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, các phác đồ điều trị kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền chưa được phê duyệt và áp dụng rộng rãi. Do đó, Tiến sĩ Lê Mạnh Cường cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần có sự thay đổi đầu tiên là trong đào tạo, hướng tới việc đào tạo ra những bác sĩ có đủ kiến thức về cả y học hiện đại và y học cổ truyền (ví dụ như 50% kiến thức cho mỗi lĩnh vực). Điều này đòi hỏi sự thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và nhà khoa học để tích hợp 2 nền y học với nhau.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nâng tầm nguồn nhân lực y học cổ truyền Việt Nam

Tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, trong đào tạo đã có sự thay đổi, cố gắng mang lại góc nhìn mới để xây dựng các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, từ đó xây dựng các phác đồ điều trị cụ thể. Các nghiên cứu này sẽ cung cấp bằng chứng khoa học và cơ sở để thuyết phục các nhà khoa học, bác sĩ và nhà quản lý về tính hiệu quả của việc kết hợp hai nền y học.

Phó giám đốc Học viện Y - Dược cổ truyền Việt Nam nhận định, đây là vấn đề khó khăn vì các bác sĩ hiện đang được đào tạo 2 nền y học khác nhau. “Nếu chúng ta không làm bây giờ thì sẽ không biết bao giờ sẽ làm được”, Tiến sĩ Lê Mạnh Cường cho biết.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ứng dụng phương pháp, kỹ thuật hiện đại để điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp 

Ông cũng đưa ra ví dụ như Trung Quốc đã có mô hình đào tạo kết hợp hai nền y học, với tỷ lệ tương tự (50% y học hiện đại, 50% y học cổ truyền). Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các nước này để bác sĩ đồng thời có 2 kiến thức. Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng đang đi theo hướng kết hợp này. Mọi người cần nhận thức rằng không có phương pháp chữa bệnh nào là hoàn hảo 100%, mà vấn đề quan trọng là bác sĩ phải biết chỉ định và sử dụng các phương pháp một cách phù hợp. Một số bệnh y học hiện đại khó điều trị thì y học cổ truyền lại xử lý được. Y học cổ truyền có thể đặc biệt hiệu quả trong điều trị một số bệnh mạn tính như bệnh cơ xương khớp, mất ngủ, đau lưng...

Bởi vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp, có thể áp dụng mô hình kết hợp giữa bác sĩ y học hiện đại và bác sĩ y học cổ truyền để điều trị bệnh nhân, trong đó bác sĩ hiện đại sử dụng phương pháp hiện đại nhưng kết hợp với thuốc/phương pháp y học cổ truyền và có sự tham vấn từ bác sĩ y học cổ truyền.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Việc đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng công nghệ, cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ là những giải pháp cần thiết để nâng tầm nguồn nhân lực y học cổ truyền Việt Nam. Từ đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong nước mà còn góp phần vào sự phát triển chung của ngành y tế toàn cầu.

DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.