Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là sự kiện của những người làm mẹ, mà còn là dịp để mọi cá nhân và toàn xã hội cùng nhìn lại và cải thiện những nỗ lực nhằm hỗ trợ phụ nữ trong giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ.

Tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tại Việt Nam vẫn còn thấp

Mọi người mẹ đều mong muốn điều tốt nhất cho con của mình, và trao cho con dòng sữa mẹ quý giá từ khi con chào đời chính là điều tuyệt vời nhất. Song vì nhiều lý do và rào cản khác nhau, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tại Việt Nam vẫn còn thấp. Theo thống kê năm 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), trong 100 trẻ chỉ có 45 trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Theo ước tính của bộ Công cụ sữa mẹ do Dự án Alive & Thrive (dự án nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong do thực hành kém về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) và Đại học Quốc gia Australia phát triển, lượng sữa mẹ tổn thất mỗi năm ở Việt Nam lên tới 249,3 triệu lít do thiếu những hỗ trợ thích đáng để mọi người mẹ có thể nuôi con bằng sữa mẹ. Lượng sữa mẹ này có giá trị tương đương tới 589.000 tỷ đồng, hơn 25 tỷ USD .

Chủ đề của Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024 là: "Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương". Không ai nên bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ và trẻ nhỏ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.

leftcenterrightdel

Sản phụ cho con ăn sữa mẹ tại Trung tâm Y tế huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NHUNG NGUYỄN

Quan tâm hơn đến nhóm lao động nữ khu vực phi chính thức

Khi lao động nữ lựa chọn làm mẹ, đây cũng là khoảng thời gian họ trải qua nhiều sự thay đổi, trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Bên cạnh những thay đổi lớn về mặt sinh học trên cơ thể, thu nhập của bà mẹ/lao động nữ cũng bị gián đoạn, các chi phí tăng thêm khi chăm sóc con nhỏ có thể khiến cho bà mẹ lo lắng, tâm lý không ổn định.

Với lao động nữ có hợp đồng lao động và được bảo vệ bởi Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản tại Việt Nam thuộc nhóm “hào phóng” so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhóm lao động nữ khu vực phi chính thức, chiếm 2/3 lực lượng lao động nữ ở Việt Nam, còn chịu nhiều thiệt thòi trong hành trình mang thai và nuôi con nhỏ do chưa được hưởng chế độ thai sản trọn vẹn từ bảo hiểm xã hội bắt buộc và chính sách lao động. Rất nhiều phụ nữ trong số đó phải trở lại công việc trước 6 tháng do nguồn thu nhập bấp bênh. Bởi vậy, trẻ nhỏ cũng chịu thiệt thòi khi phải dừng bú mẹ từ sớm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi tất cả các Bộ, ngành liên quan ưu tiên và tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm tạo môi trường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ đang đi làm, đảm bảo đủ thời gian nghỉ thai sản được hưởng lương cho tất cả các bậc cha mẹ đang đi làm và tăng cường đầu tư vào các chính sách và chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.

leftcenterrightdel

Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc đảm bảo trẻ được da kề da với mẹ ngay lập tức sau khi sinh và có cữ bú đầu tiên ngay trên ngực mẹ. Ảnh: NHUNG NGUYỄN 

Để mọi trẻ sơ sinh đều có cơ hội ăn sữa mẹ ruột

Tính tới năm 2023, Việt Nam có 5 ngân hàng sữa mẹ tại 4 tỉnh/ thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Quảng Nam và Cần Thơ. Dù hệ thống ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam đã đủ năng lực để cung cấp cho nhu cầu trên toàn quốc, chi phí của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vẫn là rào cản chính ngăn cản trẻ sơ sinh được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng quý giá này.

Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chiến dịch năm 2024 tập trung vào việc đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, chú trọng vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp. Điều này nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Chiến dịch cũng nhấn mạnh vai trò của nuôi con bằng sữa mẹ trong việc đóng góp vào giá trị kinh tế toàn cầu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bên cạnh những lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, còn chứa nhiều kháng thể giúp phòng ngừa các nhiễm khuẩn, hỗ trợ phát triển trí não và giảm nguy cơ thừa cân, béo phì và mắc đái tháo đường khi trưởng thành.

HÀ VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.