Phòng, chống sốt xuất huyết từ cơ sở

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh phường Khương Đình tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có phương án xử trí phù hợp, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt, Trạm Y tế phường Khương Đình tổ chức điều tra giám sát, xử lý triệt để ổ dịch; tổ cộng tác viên dân phố tích cực phát tờ rơi, tuyên truyền người dân về cách phòng, chống bệnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Sở y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các khu nhà trọ phường Khương Đình, quận Thanh Xuân Hà Nội. Ảnh: Sở YTHN

Theo Trạm Trưởng Trạm Y tế phường Khương Đình Nguyễn Thị Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, phường Khương Đình là phường trọng điểm mắc sốt xuất huyết từ trước đến nay. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác luôn được duy trì và thường xuyên tuyên truyền đến cộng đồng dân cư. Đặc biệt, với công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, trên địa bàn phường có tổ xung kích diệt bọ gậy, hiện tại có 347 cộng tác viên và các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, thường xuyên cập nhật dịch bệnh sốt xuất huyết và lồng ghép với các hoạt động khu dân cư, tổ dân phố tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Còn theo bác sĩ Trần Xuân Phát, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm, để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, quận tăng cường tuyên truyền với mong muốn mỗi người dân trên địa bàn cần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc phòng bệnh như kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy… Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giám sát côn trùng, chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời theo quy định, không để dịch lây lan, bùng phát dịch; chủ động giám sát, phát hiện sớm người mắc sốt xuất huyết, điều trị đúng và kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tử vong ở người mắc sốt xuất huyết. Đồng thời, tập trung giám sát chặt chẽ các phường có số ca mắc cao và các điểm nguy cơ cao, các công trình xây dựng dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết …

Còn theo bà Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết phường chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Tuyên truyền tại các hội nghị của phường, địa bàn dân cư, tổ dân phố; tuyên truyền qua zalo nhóm của hệ thống chính trị từ phường tới các tổ dân phố nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, chủ động phòng, chống sốt xuất huyết; khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân chủ động phòng ngừa, khuyến cáo người dân khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Không lơ là, chủ quan trước dịch sốt xuất huyết

Hiện toàn thành phố có gần 150 ổ dịch tại 30 quận, huyện. Trong đó, phân bố ca bệnh chủ yếu tại các khu vực ngoại thành Hà Nội. Theo dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng. Do đó, nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết, người dân tuyệt đối không điều trị tại nhà, cần đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị kịp thời.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua, Trung tâm Nhi khoa cũng đã tiếp nhận điều trị 2 trẻ bị sốc sốt xuất huyết rất nặng, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa tạng, viêm cơ tim cấp... nguy cơ tử vong rất cao. Rất may các trường hợp này đều được các bác sĩ nỗ lực cứu sống. Theo các nghiên cứu, biến chứng suy đa tạng (bao gồm cả suy gan, suy thận, suy thần kinh trung ương và suy tim) chiếm tỷ lệ khá nhỏ (chỉ chiếm 0,67%) trong các ca sốt xuất huyết, tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao 60-70%. Tỷ lệ suy hai tạng: Suy gan và suy thận chiếm 0,33%; suy gan và suy thần kinh trung ương chiếm 2,66%; suy gan và suy tim chiếm 2%.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hàng chục bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện mỗi ngày khiến giường bệnh đều chật kín. 3 ngày gần đây, ghi nhận chủ yếu các ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao.

Đáng chú ý, các bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều sống cùng một khu vực. Thông thường, hơn 80% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ ở thể nhẹ nhưng những ngày gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận ca bệnh nặng, chủ yếu do lơ là, chủ quan trước dịch.

leftcenterrightdel

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Hải 

Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh có thể dễ dàng được điều trị và chăm sóc tại nhà bằng các kiến thức y khoa thông thường như: Nghỉ ngơi, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, uống thuốc hạ sốt. Đồng thời, người dân cần chủ động phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để đi khám, nhập viện điều trị. Thông thường các dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện vào thời điểm pha sốt muộn (ngày bệnh thứ 3 - 4, hoặc nhiệt độ hạ, hạ thân nhiệt), cộng với ban xuất huyết, chảy máu mũi, miệng,…

Tuy nhiên, có nhiều người sốt xuất huyết diễn tiến bệnh nặng từ ngày thứ 4, hạ tiểu cầu, sốc xuất huyết, nhưng không biết và đến viện muộn đã rơi vào nguy kịch, thậm chí tử vong. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 12 ca tử vong, trong khi năm 2011 không ghi nhận ca nào.

Theo bác sĩ Đỗ Anh, ước tính tới 1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết có thể tiến triển nặng, đe dọa tính mạng. Sốt xuất huyết có thể từ không có triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch, nặng. Biểu hiện của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do căn nguyên khác (cúm A, B, virus hợp bào hô hấp - Rsv… trong những ngày đầu của bệnh). Vì biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết không đặc hiệu nên cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (sốc) sớm, để nhanh chóng nhập viện và can thiệp sớm, giảm nguy cơ tử vong.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), các nhóm đối tượng dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết gồm: Trẻ ở lứa tuổi sơ sinh, nhũ nhi; trẻ suy dinh dưỡng cũng như béo phì; trẻ có bệnh đi kèm như bạch cầu cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu, đái tháo đường hoặc đang bị nhiễm trùng thứ phát (viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết,…); trẻ đồng mắc các bệnh do virus khác như Covid-19, tay chân miệng… Vì vậy cha mẹ cần chú ý phát hiện các dấu hiệu trở nặng của sốt xuất huyết ở những đối tượng này để kịp thời thông báo với các bác sĩ hoặc cho trẻ nhập viện để theo dõi điều trị.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc thăm khám, phát hiện sốt xuất huyết sớm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng.

THÁI AN