Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài và còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng, dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để bảo đảm tính bao quát, toàn diện. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) kiến nghị cần lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế.

Thay vì áp dụng mức thuế như quy định của dự thảo luật hiện nay thì nên áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn, ví dụ thay vì 8% thì có thể từ 3%-7% rồi đến 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh.

Quang cảnh phiên họp ngày 10-5 tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. 

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) lại đồng tình về bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc này nhằm hạn chế tiêu dùng, định hướng trong tiêu dùng của người dân. Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, hiện nay, với thói quen tiêu dùng, đặc biệt ở thế hệ trẻ, rất đáng báo động đối với nước ngọt có đường. Bởi, các đối tượng này thường sử dụng nước ngọt có đường, thức ăn nhanh cùng với thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, ít vận động, sử dụng điện thoại liên tục, ngủ muộn... cũng là cảnh báo có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thế hệ trẻ.

Những năm gần đây, thị trường đồ uống có đường tại Việt Nam chứng kiến sự phát triển sôi động với tốc độ tiêu thụ tăng trưởng nhanh chóng. Song hành với sự phát triển này, Việt Nam cũng đang đối mặt với những gánh nặng lâu dài đối với hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng. Có bằng chứng cho thấy những người thường xuyên dùng đồ uống có đường phải đối mặt với mức tăng cao nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Thói quen này cũng có liên quan đến tăng cân, béo phì ở trẻ em và người lớn, là những yếu tố nguy cơ chính gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là không tốt cho sức khỏe trẻ em.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng nhanh trong 15 năm qua. Hiện nay, người dân Việt Nam tiêu thụ đồ uống có đường gấp 4 lần so với năm 2009. Trung bình mỗi người dân Việt Nam đang tiêu thụ 70 lít đồ uống có đường/năm, tương đương 1,3 lít/tuần, tăng nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Do đó, theo ý kiến của đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc áp thuế với đồ uống có đường, nước giải khát có đường là biện pháp cần khẩn trương thực hiện với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

DIỆP CHÂU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.