Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm giảm tải tại các cơ sở cách ly tập trung và dành nguồn lực cho điều trị người mắc Covid-19, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, tạo tâm lý thoải mái cho người được cách ly y tế, các tỉnh, thành phố trong vùng đã và đang triển khai điều trị F0 tại nhà.
Ca nhiễm tăng nhưng tỷ lệ bệnh nặng và tử vong thấp
Dù số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng do các tỉnh, thành phố đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine nên tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong ở khu vực miền Tây rất thấp. Theo thống kê, tại TP Cần Thơ (từ ngày 12 đến 18-11), thành phố ghi nhận hơn 3.000 ca F0 và có 11 trường hợp tử vong.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, dù số lượng F0 tăng nhanh nhưng thống kê mới nhất của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho thấy, đối với những bệnh nhân đã tiêm đủ 2 liều vaccine thì gần như không có trường hợp tử vong-đây là tín hiệu rất tốt.
“Đối với F0 là người tiêm 1 mũi đến 2 mũi, đa phần không có triệu chứng; cũng như việc chuyển lên tầng 3 gần như không có. Từ tầng 1 chuyển lên tầng 2 có nhưng cũng rất ít, chủ yếu là những người có bệnh nền. Mới đây, TP Cần Thơ được Bộ Y tế phân bổ 200.000 liều vaccine Vero Cell và thành phố đang đẩy nhanh tốc độ tiêm trả mũi 2 cho người dân. Đồng thời, thành phố có văn bản xin Bộ Y tế cấp thêm 300.000 liều để bao phủ mũi 2 bằng vaccine Vero Cell; cấp thêm nguồn vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi”, ông Giang nói.
 |
Nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe cho các trường hợp cách ly tại nhà. Ảnh: GIA KHÁNH |
Tại An Giang và Đồng Tháp, những ngày qua, số ca F0 tại hai địa phương liên tục tăng cao. Thế nhưng, điều đáng mừng là hơn 96% trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước đây chưa có vaccine, dịch bùng phát thì tỷ lệ tử vong khi mắc Covid-19 tại Đồng Tháp có lúc là 2,5%. Tuy nhiên hiện nay, khi có vaccine, tỷ lệ tử vong chỉ còn khoảng 1,6%. Tỷ lệ tiêm vaccine của Đồng Tháp đã được hơn 82%, điều này góp phần làm giảm các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng”.
Linh hoạt phương thức điều trị F0 tại nhà
Là một trong những bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà đầu tiên của tỉnh An Giang và khỏi bệnh, chị N.T.T (sinh năm 1985), ngụ tại phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, cho biết: “Những ngày đương đầu với dịch bệnh, hằng ngày, tôi áp dụng theo phác đồ điều trị do nhân viên y tế hướng dẫn: Uống thuốc đúng giờ, xông mũi, vận động cơ thể... giữ khoảng cách an toàn với người nhà. Dù không được gặp mặt người thân, nhưng tôi rất yên lòng vì biết mình không hề đơn độc trong "cuộc chiến". Sau vài ngày điều trị, tôi đã có kết quả xét nghiệm âm tính, khứu giác trở lại bình thường”.
Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, An Giang là địa phương đầu tiên trong vùng ĐBSCL áp dụng biện pháp điều trị F0 tại nhà. Bước đầu địa phương triển khai thí điểm tại TP Long Xuyên, Châu Đốc và thị xã Tân Châu.
Theo đánh giá, 90% trường hợp khỏi bệnh, 10% có chuyển biến và được đội ngũ y, bác sĩ đưa đến cơ sở theo dõi, điều trị kịp thời nên chuyển biến bệnh rất tốt. Sau thời gian triển khai thí điểm, qua đánh giá bước đầu mang lại hiệu quả, đến nay, An Giang đã áp dụng chương trình trên quy mô toàn tỉnh.
“Để theo dõi và kịp thời hỗ trợ người bệnh, tỉnh An Giang đã triển khai phần mềm quản lý điều trị F0 tại nhà thông qua mã QR code. Khi người bệnh truy cập phần mềm sẽ tương tác được với đội ngũ y, bác sĩ và hệ thống nhà thuốc. Qua phần mềm, người bệnh được hướng dẫn dinh dưỡng, các bài tập thể dục, tập thở; mua thuốc gì, ở đâu và cần thiết nhân viên nhà thuốc sẽ vận chuyển thuốc đến tận nơi. Ngoài ra, thông qua hệ thống phần mềm sẽ theo dõi, báo cáo bệnh nặng, nhẹ, chuyển biến bệnh chính xác. Qua đó giúp ích rất nhiều cho công tác điều trị bệnh”, bác sĩ Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết.
Tại Bạc Liêu, theo ông Nguyễn Văn Bọt, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Bạc Liêu, hiện trên địa bàn tỉnh mới áp dụng cách ly F0 tại nhà một số ít trường hợp đặc biệt, như: Phụ nữ mới sinh con, F0 nhỏ tuổi, người lớn tuổi không ai chăm sóc. Để sẵn sàng cách ly F0 tại nhà khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động lập phương án cụ thể; đồng thời, thành lập 72 trạm y tế lưu động đặt tại trụ sở khóm, ấp, trường học.
Mỗi trạm có từ 5-9 nhân viên y tế, gồm 1 bác sĩ được trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường và nhân lực y tế tư nhân. Về điều kiện vật chất, nơi đây được trang bị giường lưu bệnh, bình ô xy y tế, cáng cứu thương, xe lăn, danh mục thuốc cấp cứu theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Trạm y tế lưu động cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, công việc như: Theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, trong cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa Covid-19, tuyên truyền, khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác. Ngoài ra, trực cấp cứu suốt ngày đêm nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho F0 trên địa bàn.
Còn tại Kiên Giang, để hỗ trợ cho người dân các kiến thức về chăm sóc sức khỏe khi đang cách ly, điều trị tại nhà, Sở Y tế thành lập Câu lạc bộ (CLB) thầy thuốc hướng dẫn, tư vấn online về chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà và thành lập CLB thầy thuốc vì cộng đồng tỉnh Kiên Giang.
CLB thầy thuốc vì cộng đồng gồm các thầy thuốc chuyên sâu (chuyên gia) ở từng lĩnh vực chuyên ngành để hỗ trợ các thầy thuốc tuyến huyện (thuộc CLB thầy thuốc vì cộng đồng) trong công tác quản lý, điều trị, chăm sóc F0; trực tiếp tư vấn online cho các F0 cần tư vấn chuyên môn.
Ông Đỗ Thiện Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay, đã có 65 thầy thuốc tham gia. Theo ông Tùng: “Việc tư vấn online về chăm sóc, điều trị F0 giúp bệnh nhân an tâm, sớm khỏi bệnh, giảm lây lan dịch ra cộng đồng, chia sẻ áp lực cho ngành y tế. Thành phố Rạch Giá đã phát được 800 túi thuốc cho người dân đang thực hiện cách ly, điều trị Covid-19; đồng thời hướng dẫn cho người dân sử dụng thuốc theo đúng chuyên môn, bảo đảm an toàn, hợp lý và hiệu quả”.
THÚY AN