Tại buổi làm việc với Tổ công tác, bác sĩ Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho biết, bệnh viện có tổng cộng 1.145 bệnh nhân và 805 nhân viên. Bệnh viện phát hiện 9 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 và chuyển đến khu vực riêng để điều trị, chăm sóc cùng các F1 cách ly tại chỗ. Còn tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa hiện có hơn 130 cán bộ, nhân viên y tế đang chăm sóc, điều trị cho gần 600 bệnh nhân. Tại viện hiện có 88 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 (84 bệnh nhân, 4 nhân viên y tế). Bác sĩ Bùi Thế Hùng, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cho biết, viện đã lập khu cách ly, điều trị F0, bố trí khu cách ly F1 là bệnh nhân; sắp xếp các F1 là nhân viên tiếp tục chăm sóc, điều trị F0 và F1 là bệnh nhân; cách ly tại chỗ đối với F2 là nhân viên. "Hiện tại viện chưa có ca bệnh nào chuyển nặng, chỉ có vài ca biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang chuẩn bị cơ sở vật chất, bình oxy, thuốc để phòng trường hợp xấu hơn có thể xảy ra", bác sĩ Bùi Thế Hùng chia sẻ.
 |
PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng (bên phải) kiểm tra tại một số cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần nhiễm Covid-19 tại Đồng Nai. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Chia sẻ thêm về những khó khăn khi điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19, PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Tổ phó thường trực Tổ công tác cho rằng: “Vì không có nhận thức nên bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 có thể di chuyển khắp nơi, việc trở thành nguồn lây là rất cao. Bên cạnh đó, việc điều trị những F0 như cho uống thuốc, đeo bình oxy cũng khó thực hiện vì họ không ngồi yên. Thậm chí các bác sĩ phải cố định họ vào giường mới có thể tiến hành chữa trị”. Nhóm bệnh nhân này rất đặc thù, mọi sinh hoạt cá nhân đến khám, chữa bệnh đều do y, bác sĩ đảm nhiệm. Trong khi đó, chuyên môn về cấp cứu-hồi sức của nhân viên y tế bệnh viện tâm thần không sâu, vì vậy sẽ là thách thức khi bệnh nhân có những chuyển biến xấu. Qua kiểm tra một số cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần, trang thiết bị, vật tư y tế cũng đang còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần vẫn đang được cân nhắc, do còn những vướng mắc. Đầu tiên là chưa có quy định pháp lý nào về việc có cần người nhà bảo hộ, bảo lãnh cho bệnh nhân tâm thần tiêm vaccine phòng Covid-19 hay không. Khó khăn tiếp theo, mặc dù các bệnh viện chuyên khoa tâm thần vẫn có thể thực hiện khám sàng lọc trước tiêm cho bệnh nhân, nhưng các bệnh tiềm ẩn, phức tạp sâu thì khó có thể phát hiện. Theo PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng, cần khẩn trương đào tạo thêm cho nhân viên y tế tại bệnh viện tâm thần các kỹ năng phòng, chống và điều trị Covid-19. Trang bị, bổ sung các thiết bị, vật tư y tế như: Máy thở, bình oxy, thuốc, xét nghiệm... Ưu tiên dùng thuốc điều trị Covid-19 đối với những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh. Đối với cơ sở nào có nguy cơ tăng số lượng ca nhiễm phải có sự hỗ trợ về nhân lực từ các bệnh viện khác như bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa. Tăng cường quản lý bằng hệ thống camera, không để bệnh nhân trốn ra ngoài và giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế...
KHÁNH PHƯƠNG - DIỆP CHÂU