Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên; tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm vì những lý do như: Chống chỉ định, tạm hoãn...; tiếp tục tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi”.

leftcenterrightdel
Viện Y học dự phòng Quân đội phía Nam tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN CƯỜNG 

Theo báo cáo của cơ quan thường trực tiêm chủng, tính đến ngày 13-12, cả nước đã tiêm gần 133 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực tiêm để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 96,7%, tỷ lệ tiêm đủ hai liều là 78,4% dân số từ 18 tuổi trở lên; hơn 7 triệu trẻ em 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine. Như vậy, về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19 cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, tiếp tục tiêm mũi 2, phấn đấu trong năm 2021 cơ bản tiêm xong mũi 2 cho người trưởng thành, bắt đầu tiêm mũi nhắc lại khi đủ thời gian. Với số lượng vaccine Bộ Y tế đã ký hợp đồng cung ứng, cùng sự hỗ trợ qua cơ chế COVAX... đến nay, Việt Nam cơ bản đủ nguồn vaccine tiêm cho người trưởng thành mũi 1, mũi 2, trẻ từ 12 đến 17 tuổi, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên. Hiện, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi sau khi có hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bộ Y tế phấn đấu đến giữa năm 2022 cơ bản tiêm xong mũi 3 cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ em 12-17 tuổi.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng: Tiêm vaccine mũi 3 sẽ có hiệu quả trong việc củng cố hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng bệnh. Loại vaccine dùng cho tiêm liều nhắc lại được thống nhất: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó, hoặc vaccine mRNA, hoặc vaccine vector virus (vaccine AstraZeneca). Tiêm một mũi nhắc lại sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 6 tháng. Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát nhu cầu vaccine để tiêm cho người dân, đặc biệt là xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 với mục tiêu kiểm soát tốt dịch Covid-19, khôi phục, phát triển kinh tế, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu mục tiêu sớm tiêm bao phủ vaccine, kiểm soát số bệnh nhân nặng, giảm số ca tử vong, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Trước thắc mắc của người dân về tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn liên tục tăng sau khi đa số người dân được tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên giải thích: “Tỷ lệ người bệnh ở Việt Nam tử vong thấp hơn nhiều so với thế giới. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân cần phải làm rõ. Do đó, Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh, sở y tế các tỉnh, thành phố tìm hiểu vấn đề này. Bước đầu, Bộ Y tế nhận định hầu hết các bệnh nhân Covid-19 tử vong đều mắc bệnh nền, bệnh mạn tính, là người cao tuổi, sức khỏe suy giảm”. Để hạn chế tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong, Bộ Y tế đã chuyển sang chiến lược mới trong điều trị. Cụ thể: Với tỷ lệ 97% người trưởng thành đã tiêm mũi 1, tất cả F0 nhẹ được Bộ Y tế hướng dẫn điều trị tại nhà theo phác đồ. Còn trường hợp mắc bệnh nặng sẽ được đưa vào bệnh viện để điều trị. Hiện, Bộ Y tế đang tiếp cận các loại thuốc điều trị Covid-19 đã lưu hành, hoặc đang được nghiên cứu trên thế giới để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân mắc bệnh nặng. Khi các loại thuốc này được cấp phép bởi cơ quan chuyên môn của thế giới thì sẽ được đưa về Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong. Về việc đánh giá hiệu quả của vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Khi dịch bùng phát, Bộ Y tế đã giao cho Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá về vấn đề này. Hiện, các đơn vị đang nghiên cứu về kháng thể ở người tiêm vaccine. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sớm báo cáo kết quả nghiên cứu để thông tin rộng rãi cho người dân”.

DIỆP CHÂU