Cả nước thêm 15.377 F0 tại 60 tỉnh, thành phố

Bộ Y tế cho biết, hôm nay cả nước ghi nhận 15.377 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 28 ca nhập cảnh và 15.349 ca ghi nhận trong nước (tăng 728 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 8.891 ca trong cộng đồng.

 

Cụ thể, Hà Nội (1.000), Bình Phước (998), Tây Ninh (919), TP Hồ Chí Minh (915), Bến Tre (867), Cà Mau (793), Đồng Tháp (740), Cần Thơ (680), Khánh Hòa (594), Vĩnh Long (581), Trà Vinh (476), Sóc Trăng (466), An Giang (422), Bình Định (395), Bà Rịa - Vũng Tàu (371), Thừa Thiên Huế (346), Bạc Liêu (334), Đồng Nai (329), Kiên Giang (328), Tiền Giang (322), Hậu Giang (306), Bình Dương (304), Bình Thuận (268), Gia Lai (211), Đà Nẵng (205), Bắc Ninh (194), Hải Phòng (183), Thanh Hóa (182), Lâm Đồng (165), Nghệ An (145), Hưng Yên (134), Quảng Ngãi (122), Đắk Nông (103), Quảng Nam (103), Lạng Sơn (96), Hà Giang (81), Ninh Thuận (81), Long An (72), Vĩnh Phúc (58), Hải Dương (56), Thái Bình (54), Phú Yên (51), Quảng Ninh (49), Hòa Bình (40), Thái Nguyên (32), Nam Định (30), Quảng Bình (30), Hà Nam (20), Bắc Giang (17), Sơn La (16), Phú Thọ (15), Tuyên Quang (12), Lào Cai (9), Hà Tĩnh (8 ), Kon Tum (8 ), Quảng Trị (5), Yên Bái (4), Cao Bằng (2), Điện Biên (1), Lai Châu (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk giảm 315 ca, TP Hồ Chí Minh giảm 301 ca, Đà Nẵng giảm 205 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước tăng 998 ca, Gia Lai tăng 209 ca, Bến Tre tăng 145 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 14.946 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.428.428 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.488 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.423.004 ca, trong đó có 1.053.095 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (488.174), Bình Dương (287.556), Đồng Nai (92.575), Tây Ninh (39.615), Long An (39.312).

Về điều trị, hôm nay cả nước có 1.192 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.730 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 5.321 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.256 ca; thở máy không xâm lấn: 317 ca; thở máy xâm lấn: 817 ca; ECMO: 19 ca.

Về xét nghiệm, trong 24 giờ qua đã thực hiện 124.132 mẫu xét nghiệm.  Số lượng xét nghiệm từ ngày 27-4 đến nay đã thực hiện 27.996.114 mẫu cho 71.332.580 lượt người.

242 ca tử vong do Covid-19

Bộ Y tế cho biết, hôm nay cả nước ghi nhận 242 ca tử vong. Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (75) trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Bình Dương (2), Bạc Liêu (1), Bình Thuận (1), Tây Ninh (1), Đồng Tháp (1), Tiền Giang (1), Vĩnh Long (1). Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (26), An Giang (25), Bình Dương (15), Cần Thơ (13), Long An (12), Tiền Giang (12), Tây Ninh (10), Đồng Tháp (10), Bình Thuận (7), Sóc Trăng (7), Vĩnh Long (6), Kiên Giang (5), Đắk lắk (4), Bạc Liêu (4), Trà Vinh (3), Bến Tre (3), Cà Mau (2), Hà Nội (1), Hải Phòng (1), Hòa Bình (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 228 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.081 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Bộ Y tế yêu cầu rà soát việc người dân tự xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không thông báo

Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về công tác xét nghiệm Covid-19.

Công văn cho biết, gần đây, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã ghi nhận một số trường hợp di chuyển đến các bệnh viện sau khi tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính nhưng không thông báo cho đơn vị y tế ở địa phương; việc này có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng đặc biệt là tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. 

Để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, phối hợp tổ chức liên quan để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Sở Y tế số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn; tư vấn và hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người. Đồng thời phối hợp tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cho người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn chấp hành các quy định phòng chống dịch, đặc biệt đối với việc triển khai tự xét nghiệm, giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, kịp thời bóc tách, khoanh vùng và dập dịch, đồng thời hạn chế việc lây nhiễm cho cộng đồng.

TP Hồ Chí Minh huy động 6.500 nhà thuốc chăm sóc F0 tại nhà

Ngày 13-12, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ký công văn về việc huy động hệ thống nhà thuốc tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 6.500 nhà thuốc, thường phân bố tại các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp. Sở Y tế xác định đây là mắt xích quan trọng trong công tác phòng, chống dịch cần huy động để có thêm nguồn lực hỗ trợ chăm sóc F0 trong tình hình mới.

Sở Y tế đề nghị các nhà thuốc trên địa bàn thành phố sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Các nhà thuốc phải cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe người mắc Covid-19 tại nhà. Đồng thời, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn và theo dõi cho người sử dụng.

Bộ Y tế điều chỉnh cách dùng thuốc Favipiravir cho bệnh nhân Covid-19

Bộ Y tế ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.

Tại quyết định này, Bộ nêu rõ nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus. Cụ thể, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước, thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.

Bộ Y tế cũng điều chỉnh một số chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, đối với 3 loại thuốc kháng virus gồm Favipiravir, Remdesivir và Molnupiravir. Đây là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam

Cụ thể, đối với thuốc kháng virus Favipiravir 200mg được dùng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình (theo quy định trước đây ban hành ngày 6-10, thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ). Bên cạnh đó, thời gian điều trị thuốc Favipiravir 200mg giảm xuống còn 5-7 ngày (thay vì 7-14 ngày như quy định trước đó).

Xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Bùi Hồng 

Gần 133 triệu liều vắc xin đã được tiêm

Theo Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19, tính đến 18 giờ ngày 13-12, cả nước đã tiêm 132,967,161 liều vắc xin phòng Covid-19.

Có 44/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 30 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biện, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

22/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin dưới 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 05 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Hà Giang (78,4%), Cao Bằng (81,2%), Quảng Nam (81,4%), Bạc Liêu (83,0%) và Thái Bình (83,3%).

Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 45 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%.  Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ dưới 50% là Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Sơn La.

Bình Dương ghi nhận 304 ca mắc mới

Chiều 13-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, trong ngày tỉnh Bình Dương ghi nhận  304 ca mắc mới; 207 bệnh nhân được xuất viện; 15 bệnh nhân tử vong.

Về tiêm vắc xin, ngày 13-12, tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Lũy kế: 4.309.622 liều đã tiêm/5.054.180 liều được phân bổ (2.464.280 liều mũi 1 và 1.845.342 liều mũi 2 và 2.389 mũi 3); đã tiêm được 256.805 liều vắc xin phòng cho Covid-19 cho đối tượng 12-17 tuổi (mũi 1: 171.706 liều, mũi 2: 85.099 liều).

Đà Nẵng ghi nhận 206 ca mắc Covid-19

Chiều 13-12, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố cho biết, trong ngày Đà Nẵng ghi nhận 206 ca mắc Covid-19, gồm 16 ca cách ly tập trung; 93 ca cách ly tạm thời tại nhà; 42 ca trong khu phong tỏa và 55 ca chưa cách ly.

Tính đến nay, thành phố đã tiêm 1.875.387 mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 966.581 người và mũi 2 cho 908.806 người.  Hiện có 266 khu vực phong tỏa trên toàn thành phố với 1.412 hộ (9.526 nhân khẩu); duy trì 18 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 514 người. 

Tính từ ngày 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.218  ca mắc Covid-19, trong đó 148 ca ngoại tỉnh.

THÁI AN