Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài nên người dân có xu hướng đi du lịch, về quê...  Tuy nhiên, rất nhiều người chủ quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, sởi, ho gà, viêm màng não... trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng, liên tục xuất hiện các ca bệnh mới. Năm 2024 lại là năm nằm trong chu kỳ tăng mạnh của các bệnh truyền nhiễm, do đó, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau nghỉ lễ là rất lớn.

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp nghỉ lễ, tại công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

leftcenterrightdel
Tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HƯNG 

Theo đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các sở y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại những cơ sở y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời. “Sở y tế các địa phương xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn. Tổ chức đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc, tử vong cao”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đối với bệnh dại, Bộ Y tế đề nghị các địa phương bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Bố trí mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Đề phòng với những ca mắc sốt xuất huyết có thể tăng, các địa phương cần tuyên truyền để người dân chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Với những bệnh được dự phòng bằng vaccine như sởi, ho gà, bạch hầu... cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.

DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.