Hai hãng Pfizer-BioNTech sở hữu công nghệ sản xuất vaccine mRNA cho biết, họ có thể thiết kế lại vaccine hiện có trong vòng 6 tuần và giao các lô đầu tiên trong 100 ngày. Hai hãng này đã bắt đầu tìm hiểu về biến thể Omicron và hy vọng sẽ có thêm dữ liệu từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm muộn nhất trong hai tuần nữa.

BioNTech cho biết, biến thể mới có khác biệt lớn so với các biến thể trước do có thêm nhiều đột biến ở gai protein. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về các đột biến và ý nghĩa của chúng đối với mức độ lây nhiễm và độc lực của biến thể này. 

Những dữ liệu thu được sẽ cho biết các thông tin về biến thể Omicron có khả năng “trốn vaccine” hay không và hiệu quả chống lại biến thể mới này tới đâu. “Trốn vaccine" là khả năng lẩn tránh phản ứng miễn dịch trúng đích do vaccine tạo ra. Nếu biến thể Omicron có thể “trốn vaccine” thì cần điều chỉnh vaccine ngừa Covid-19 nhằm ngăn ngừa khả năng biến thể này lây lan rộng trên toàn cầu. 

Dòng người xếp hàng ở sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg (Nam Phi) để rời khỏi quốc gia này do lo ngại biến chủng mới Omicron. 

Trong khi đó, hãng Moderna cũng cho biết đang nỗ lực cải thiện mũi vaccine tăng cường tập trung vào biến thể Omicron. Liều tăng cường này được thử nghiệm với liều cao hơn so với liều tăng cường hiện nay. Công ty cũng nghiên cứu nhiều liều vaccine tăng cường khác với khả năng bảo vệ trước nhiều biến thể.

Còn công ty Johnson & Johnson cho biết đang theo dõi sát biến thể Omicron và kiểm tra hiệu quả của vaccine mà hãng này chế tạo đối với biến thể mới được WHO cho là có khả năng lây nhiễm mạnh hơn các biến thể trước. Thậm chí, theo chuyên gia Mỹ Eric Feigl-Ding, biến thể mới có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các chủng SARS-CoV-2 trước đây 500%. Ông cho biết, biến chủng Omicron có nhiều gấp đôi các đột biến xấu ở gai protein nếu so sánh với biến thể Delta. 

Về phần mình, công ty AstraZeneca cho biết đang kiểm tra tác động của biến thể Omicron với vaccine và hỗn hợp kháng thể đơn dòng do công ty này phát triển. Cụ thể, nghiên cứu của AstraZeneca đang tiến hành ở Botswana và Eswatini, là hai nước đã phát hiện biến chủng Omicron, và các dữ liệu về hiệu quả của vaccine với biến thể là những kết quả thu được từ thực tế. Ngoài vaccine, AstraZeneca có hỗn hợp kháng thể đơn dòng có thể sử dụng để phòng ngừa và điều trị Covid-19. Công ty cũng lạc quan là hỗn hợp điều trị này có thể vẫn giữ được hiệu quả với biến thể Omicron.

Đối với nhà sản xuất vaccine Sputnik V của Nga, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, vaccine Sputnik V, nếu cần thiết, có thể nhanh chóng được điều chỉnh để đối phó với biến chủng Omicron. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác để phát triển vaccine, đặc biệt là nghiên cứu về khả năng tiêm kết hợp chúng với nhau.

Hiện nay, giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ chủng Omicron và cân nhắc có cần điều chỉnh các loại vaccine Covid-19 hiện tại hay không. Theo Bộ Y tế Nam Phi, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến chủng mới có thể dễ lây nhiễm hơn nhưng vaccine hiện tại vẫn phát huy hiệu quả ngăn các ca nghiêm trọng.

Người đầu tiên bị phát hiện mắc chủng Omicron được cho là ở Botswana mang quốc tịch Nam Phi. Hầu hết những người bị phát hiện mắc biến chủng mới đều ở Nam Phi. Ngày 27-11, Hà Lan đã phát hiện 61 ca dương tính trên hai chuyến bay từ Nam Phi và sẽ xét nghiệm thêm để xác định liệu có ca nào nhiễm chủng Omicron.

Hà Lan đã cấm toàn bộ chuyến bay từ các quốc gia phía Nam châu Phi. Các cơ quan y tế của Liên minh châu Âu (EU) trước đó cho biết châu lục này chịu nguy cơ "cao đến rất cao" trước biến chủng mới. Biến chủng mới được phát hiện trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn với sự gia tăng ca mắc Covid-19, khi châu lục này một lần nữa trở thành tâm điểm bùng phát dịch Covid-19. 

Trước mối đe dọa từ biến chủng mới, có thêm các quốc gia đã áp đặt hạn chế đi lại với các nước châu Phi. Các nước EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền Nam châu Phi. Một nguồn tin EU cho biết, các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng với Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.

Từ ngày 29-11, Mỹ cũng sẽ cấm người tới từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Các quan chức cho biết lệnh cấm không áp dụng với công dân Mỹ hoặc thường trú nhân, song họ cần có xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Ngày 27-11, Chính phủ Australia đã quyết định đóng cửa biên giới ngay lập tức với Nam Phi và 8 quốc gia lân cận thuộc châu Phi (Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, quần đảo Seychelles, Malawi và Mozambique) để giảm thiểu nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Từ ngày 28-11, Nga cũng hạn chế công dân từ 9 nước châu Phi và Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) nhập cảnh.

XUÂN PHONG