Đi xa để được an lòng chữa bệnh, nhưng…
Trong tiết trời chợt nắng, chợt mưa ở TP Hồ Chí Minh những tháng cuối năm, tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp hình ảnh anh Đặng Văn Thọ, tay xách nách mang nào hồ sơ khám bệnh, balo quần áo, xô, chậu, vật dụng cá nhân vội vã đi vào bệnh viện... Khi hỏi chuyện, chúng tôi biết anh từ TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) tới TP Hồ Chí Minh để đưa ba nhập viện điều trị căn bệnh ung thư tuyến giáp.
Anh kể: “Đối với sức khỏe người thân trong gia đình tôi luôn cảnh giác cao độ, vì thế khi thấy ba có các triệu chứng như khàn tiếng, khó thở, nổi hạch ở cổ… tôi bàn với gia đình quyết tâm đưa ba lên Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để khám bệnh. Đằng nào cũng phải đi khám và tốn kém chi phí điều trị, tôi nghĩ gửi gắm sức khỏe ở bệnh viện uy tín vẫn thấy tin tưởng, nhẹ lòng hơn phần nào, đã xác định mất nhiều tiền phải đổi lại được sự an tâm”.
 |
Trao quà tặng các bệnh nhi mắc bệnh lý ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Trung thu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
|
Được biết, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh là cơ sở tuyến cuối khám chữa bệnh về ung thư tại TP Hồ Chí Minh cũng như khu vực phía Nam. Bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 4.700 lượt bệnh nhân mỗi ngày, tăng khoảng từ 8 đến 10% so với vài năm trước.
TS, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện 84% bệnh nhân tại đây là người từ các tỉnh lân cận, tỷ lệ này vài năm trước là 75%. Trong đó, số bệnh nhân ngụ tại TP Hồ Chí Minh đến khám là khoảng 700 người mỗi ngày. Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân phần lớn đến từ các tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam. Còn bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, đã biết đến nhiều bệnh viện có chuyên khoa ung thư chất lượng, nhờ mạng lưới y tế đang trên đà phát triển của Thành phố, từ đó đưa ra lựa chọn thuận tiện cho việc điều trị phù hợp với bản thân.
Ông Lê Đình Toán, bệnh nhân (tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Tôi tranh thủ những ngày cuối tuần đến Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh vì tin vào năng lực của các bác sĩ tuyến cuối. Mỗi lần tôi đi và về hết hơn 5 giờ, nhưng vì phương tiện di chuyển hiện nay tiện lợi hơn nhiều so với trước nên không sợ đường xa, chỉ sợ không chữa được bệnh”.
Tâm lý đi tới cơ sở tốt nhất để khám, chữa bệnh là lựa chọn đương nhiên của người bệnh, nhưng nếu bệnh viện quá tải, sẽ gây ảnh hưởng đến dịch vụ y tế. Người bệnh phải xếp hàng, chờ đợi lâu, sức lực suy yếu. Chưa kể, nếu chờ đợi quá lâu, bỏ qua thời điểm phù hợp để mổ hoặc hóa trị… có thể khiến diễn biến bệnh lý ung thư trở nặng hơn.
Đáp ứng kịp thời, không phụ lòng bệnh nhân
Theo Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, 4 tỉnh có số lượt bệnh nhân đến khám đông nhất năm 2023, gồm: Long An hơn 36.000 người/năm; Tiền Giang hơn 34.000 người/năm; An Giang hơn 19.000 người/năm; Đồng Tháp hơn 27.000 người/năm. Đồng thời, đây cũng là 4 tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị đông nhất với hơn 2.000 ca mỗi năm.
Trước tình hình trên, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh như: Tổ chức triển khai tiếp nhận và khám bệnh sớm từ 5 giờ sáng; tăng số ca xạ bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 22 giờ; tổ chức mổ ngoài giờ hành chính và ngày thứ bảy.
Những cách làm trên đã đem lại hiệu quả, như thời gian chờ mổ của bệnh nhân đã giảm còn từ 1 đến 3 tuần, thời gian chờ xạ trị giảm trung bình khoảng 1 đến 2 tuần so với trước khi triển khai cách làm mới. Bên cạnh đó, Bệnh viện ưu tiên cho bệnh nhân mắc bệnh lý ác tính đợi thời gian chờ mổ ngắn hơn so với bệnh nhân mắc bệnh lý lành tính. Đồng thời, Bệnh viện còn tạo điều kiện hẹn lịch mổ, giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình điều trị.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chữa bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh không ngừng thúc đẩy vai trò liên kết vùng trong điều trị ung thư. Đến nay, Bệnh viện đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, nhằm chuyển giao một số kỹ thuật điều trị ung thư về tỉnh. Việc làm này vừa giúp giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới.
PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã và đang tăng cường phối hợp các tỉnh, thành trong vùng để khám sàng lọc, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ung thư tại địa phương. Các địa phương sẽ cùng hình thành mạng lưới phòng, chống ung thư vùng, chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện ung thư cho đến giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ ở tuyến cuối và cộng đồng…
Bài và ảnh: PHƯƠNG NAM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.