Tại buổi làm việc với Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: “Tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao và thiết bị y tế đã ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của cả hệ thống chuyên ngành hai bệnh viện”.

Bệnh viện nào cũng kêu khó

Tại Bệnh viện Bạch Mai-bệnh viện tuyến Trung ương thuộc hạng đặc biệt, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất cũng không ngoại lệ. PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện cho biết, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 6.500-8.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám, khoảng 10% trong số đó phải nhập viện. Số bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 4.000 người. Chỉ 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã thực hiện gần 250.000 ca thủ thuật, hơn 8.900 ca phẫu thuật, chưa kể các kỹ thuật cao được triển khai, trong đó có ghép tạng... Một trong những nguyên nhân thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất... mà bệnh viện chỉ ra là do dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng thuốc của doanh nghiệp. Nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao, không có lợi nhuận, không đạt kỹ thuật. Năm 2022 có tới 77/1.690 khoản thuốc nhà thầu không cung ứng đủ theo đơn đặt hàng, ảnh hưởng đến lượng thuốc dự trữ của bệnh viện trong thời gian chờ kết quả thầu.

Bệnh nhân ung thư thực quản được phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện K. 

Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu các khó khăn liên quan tới đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, 18 công ty trúng thầu thuốc, vật tư chưa cung ứng đủ theo đơn đặt hàng của bệnh viện. Trong đó, một số thuốc thiết yếu thiếu như Ceftriaxone, Cefazolin, Amikacin, Vancomycin, Clindamycin... Đặc biệt, một số gói thầu hóa chất, vật tư y tế dùng trong tiêu hóa và can thiệp tim mạch bị trượt thầu với tỷ lệ từ 23% đến 70%. Điều này đã gây ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện. Nhiều thiết bị y tế "đắp chiếu" do vướng thủ tục pháp lý, khiến công suất của bệnh viện giảm mạnh, phải chia khám ngoại trú vào buổi sáng, khám nội trú vào buổi chiều và đêm. Lượng công việc tăng cao, nhân viên bệnh viện phải đi làm từ 5 giờ sáng.

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương là bệnh viện tuyến cuối cũng trong tình trạng tương tự. PGS, TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc bệnh viện cho biết, giai đoạn cao điểm mùa hè, bệnh viện dùng tối đa công suất giường bệnh (gồm 350 giường nội trú, 10 phòng mổ), mỗi ngày nơi đây có tới 80-90 ca mổ. “Thiếu vật tư, thuốc, trang thiết bị đã khiến bệnh viện phải chuyển bệnh nhân sang các nơi khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh... Vật tư tiêu hao, trang thiết bị thiếu khiến một số máy không hoạt động được. Số lượng máy hoạt động được rất ít, ảnh hưởng tới các cuộc phẫu thuật. Thiếu vật tư ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn điều trị và chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế. Hiện bệnh viện phải áp dụng các phương pháp, kỹ thuật cũ để điều trị cho bệnh nhân”, PGS, TS Phạm Tuấn Cảnh chia sẻ. Ông cho hay, việc sử dụng một số thiết bị chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện cũng gặp khó khăn do đang trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng. Các thiết bị này chỉ có một nhà phân phối tại khu vực phía Bắc, không cung cấp được hợp đồng, không có đủ báo giá để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu...

Còn bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, hiện nay, các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán. “Giá dự toán chỉ tính được khi lập kế hoạch đấu thầu. Nếu theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị ở giai đoạn lập dự toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng dấu kỹ thuật hoặc nên bổ sung vào thông tư hướng dẫn xác định dự toán mua sắm thuốc cho phép các bệnh viện được xây dựng đơn giá dự toán bằng với giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng dự toán mua sắm”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết.

Tâm lý sợ sai, không dám làm

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cũng chia sẻ thêm, các bệnh viện đang gặp khó khăn do nhiều đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu trên website thường không đăng chi tiết những tính năng kỹ thuật mà đăng chung chung. Do đó, để xây dựng cấu hình tính năng kỹ thuật khác nhau ở các đơn vị, chỉ dựa vào thông tin đó thì không thể nào lập được giá sát thực tế. Nhưng nếu không sát thực tế thì các cơ quan chức năng sẽ chất vấn vì sao cùng chủng loại mà bệnh viện này mua giá cao, bệnh viện khác lại mua giá thấp. Thực tế, bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng kế hoạch. Thực tế hoạt động cho thấy, các hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp với mô hình, tính chất khám và điều trị bệnh của từng bệnh viện nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn. "Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch một đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt", bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ nỗi bức xúc của các bác sĩ tại bệnh viện này. Mặt khác, việc mua sắm hàng hóa, hóa chất, vật tư đều xoay quanh giá, các cơ sở y tế đều vướng. 

Khó khăn chung của 3 bệnh viện trong đấu thầu trang thiết bị y tế là tình trạng chung của nhiều bệnh viện trên cả nước. Trước đó, Bộ Y tế cũng thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám triển khai đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Thậm chí, ngay cả khi một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu thay vì đấu thầu tập trung như trước, các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện về đấu thầu mua sắm thuốc. Vậy cần làm gì để tháo gỡ tình trạng này?

Hiện nay, do Nhà nước không thể bảo đảm đủ các loại máy hiện đại cho bệnh viện công, đồng thời hầu hết máy xét nghiệm là “máy đóng” (chỉ dùng được hóa chất đúng hãng) nên từ nhiều năm qua, đa số bệnh viện vẫn dùng máy mượn để phục vụ khám, chữa bệnh; thậm chí, nhiều bệnh viện lớn sử dụng tới 80-90% máy mượn. Thế nhưng, có cơ quan quản lý nhà nước (ngoài ngành y) đang hiểu nhầm giữa máy đơn vị trúng thầu hóa chất cho mượn (khi hết hợp đồng cung cấp hóa chất thì trả) với máy doanh nghiệp liên doanh, liên kết với bệnh viện để làm dịch vụ, thu lợi nhuận, nên lúc thì cho phép, lúc lại không cho phép thanh toán bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ sử dụng máy mượn, gây khó cho bệnh viện và thiệt thòi đối với bệnh nhân. 

(còn nữa)

Bài và ảnh: HÀ VŨ