Mùa mưa lũ đến, cũng là lúc nhiều cây gỗ bị nước lũ cuốn từ thượng nguồn về xuôi. Nhiều người, trong đó có không ít trẻ em coi đây là “sản vật trời cho”, sẵn sàng phó mặc mạng sống của mình cho thủy thần để lao ra vớt củi giữa dòng nước lũ. Củi được các em dùng cho những mục đích khác nhau, có thể bán cho người có nhu cầu, cũng có thể mang về cho gia đình sử dụng.
Đến thôn Búng Giắt, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên trong những ngày mưa lũ này, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều trẻ gầy gò, nhỏ thó, đánh vật với nước suối Nậm Mức dâng cao, chảy xiết để vớt những thân cây, cành củi đang trôi băng băng giữa dòng.
Năm nào cũng vậy, mùa mưa lũ về cũng là lúc nhiều địa phương miền núi, địa bàn gần sông, suối, phải đón nhận những tổn thất to lớn về người và tài sản. Nguyên nhân tử vong vì mưa lũ khá đa dạng, có thể do mất cảnh giác nên bị sạt lở đất vùi lấp; bị lũ ống, lũ quét cuốn trôi khi đang ngủ hay đang canh tác… Và chuyện tử vong do lũ cuốn khi mạo hiểm bơi ra vớt củi trôi sông, như những hình ảnh trên suối Nậm Mức, cũng không còn là chuyện hiếm.
Hậu quả nặng nề luôn tiềm ẩn là vậy, song tại sao những đứa trẻ vẫn vô tư đánh cược mạng sống của mình trên dòng nước lũ? Có thể lý giải cho hành động nguy hiểm đó là vì con trẻ vốn hiếu động, cộng với nhận thức còn hạn chế, nên chưa ý thức hết sự nguy hiểm từ mưa lũ. Vậy nên, để trẻ “mưu sinh” trên lũ dữ chính là sự thiếu sót về trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường và các cấp chính quyền. Thiết nghĩ, để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng nêu trên, cùng với đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tự bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ nhỏ, còn rất cần sự quản lý sát sao của mỗi gia đình, nhà trường cũng như công tác tuần tra, kiểm tra, cảnh báo thường xuyên, kịp thời của lực lượng chức năng và chính quyền các cấp./.
LƯƠNG TÀI (thành phố Bắc Ninh)