Thực tế không khó để nhận ra các nguồn phát thải ô nhiễm gây ra tại TP Hà Nội. Đó chính là từ hàng triệu xe máy tham gia giao thông, tình trạng đốt rơm rạ, các công trình đang xây dựng và đáng kể nhất là từ quá trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... trên địa bàn. Điều đáng quan ngại hơn chính là ảnh hưởng của các loại bụi siêu nhỏ hay còn có tên gọi khác "bụi mịn". Chúng là các hạt lơ lửng trong không khí, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (µm). Vì siêu nhỏ, hạt bụi PM2.5 không thể nhìn thấy bằng mắt thường và tồn tại trong không khí từ vài giờ đến vài chục ngày.
Do kích cỡ siêu nhỏ nên không thể ngăn chặn bởi khẩu trang hay các biện pháp thông thường, thế nên bụi mịn chính là sát thủ vô hình tàn phá sức khỏe con người. Theo đường hô hấp, nó dễ dàng xâm nhập sâu vào phổi, theo các mạch máu đến tận mọi "hang cùng ngõ hẻm" trong cơ thể, kể cả tích tụ lên não và trong bào thai. Về lâu dài, bụi mịn có thể gây ra đau tim, đột quỵ, ung thư, mất trí nhớ, đó là chưa kể các bệnh thông thường như ho, tức ngực, khó thở, các bệnh về mắt mũi họng, phế quản, xoang, hen... Người già và trẻ em, người mắc bệnh tim mạch và đường hô hấp đặc biệt nhạy cảm với loại bụi nguy hiểm này.
 |
Để cải thiện chất lượng AQI cần có sự chung tay giữa người dân và sở, ngành chức năng TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN SƠN. |
Nhận thức được mối nguy cơ từ bụi mịn và chỉ số AQI thấp, thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế nguồn phát thải và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân đầu năm kiểm tra, đôn đốc các địa phương vận động người dân không đốt rơm rạ, không sử dụng bếp than tổ ong; khuyến cáo người dân trong những ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, nguy hại... Công an TP Hà Nội phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông có khói đen, phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, vận chuyển hàng hóa không che chắn gây ô nhiễm môi trường. Sở Xây dựng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, để giảm thiểu tác hại từ bụi mịn và cải thiện chỉ số AQI trên địa bàn Thủ đô, bên cạnh sự cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải không cần thiết. Chỉ có sự chung sức, chung lòng như vậy mới từng bước giúp hạn chế ô nhiễm và cải thiện chỉ số AQI...
GIA HƯNG (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)