Như vậy, đến chiều 5-7, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 10 ca bệnh bạch hầu, trong đó có một ca tử vong. Bệnh nhân tử vong là Vung (sinh năm 2016), trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Ngành y tế tỉnh Gia Lai khám sàng lọc và cấp thuốc điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho người dân tại xã Hải Yang.

Trước đó, ngày 28-6, cháu Vung cùng mẹ đến tỉnh Kon Tum thăm người thân, đã có dấu hiệu sốt, ho, đau họng. Gia đình tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ. Ngày 3-7, người nhà đưa bệnh nhân đến khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, được chẩn đoán áp xe amidan thành họng. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến, tiếp tục theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai trong tình trạng viêm họng, amidan, thanh quản giả mạc, viêm phổi. Các bác sĩ đã tích cực cứu chữa nhưng tình trạng bệnh rất nặng, chuyển biến xấu, bệnh nhân phải thở máy. Đến sáng 5-7, bệnh nhân đã tử vong.

Hiện nay ngành Y tế tỉnh Gia Lai đang phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu. Phun bề mặt tại gia đình bệnh nhân tử vong và các hộ xung quanh trong bán kính 200m, các hộ nghi ngờ bằng hóa chất Cloramin B 0,5%; tổ chức khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: Dọn vệ sinh nhà cửa, khu vực xung quanh nhà và vệ sinh cá nhân.

Tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc bệnh để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm khẳng định. Thành lập chốt kiểm dịch tại khu vực cửa ngõ ra vào làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Điều tra đối tượng chưa được tiêm, tiêm chưa đủ mũi, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, lập kế hoạch tổ chức tiêm vét vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.

Tin, ảnh: SƠN TÙNG