Nhân viên Viettel Gia Lai tư vấn khách hàng trải nghiệm dịch vụ 5G.

Theo đó, từ ngày 15-10, người dân, khách hàng khi đến các cửa hàng của Viettel Gia Lai trên địa bàn thành phố Pleiku sẽ được cán bộ, nhân viên tư vấn, hướng dẫn trải nghiệm dịch vụ 5G.

Ngoài ra, Viettel Gia Lai còn tổ chức một điểm trải nghiệm dịch vụ 5G tại Quảng trường Đại đoàn kết (đường Anh Hùng Núp, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) từ 18 đến ngày 20-10.

Thiếu tá Phùng Văn Mẫn, Giám đốc Viettel Gia Lai cho biết, chính thức ra mắt chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.

Người dân đến trải nghiệm dịch vụ 5G tại cửa hàng Viettel Gia Lai. 

Mạng 5G Viettel có tốc độ có thể đạt 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G Viettel triển khai đồng thời 5G trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).

Mạng 5G NSA được Viettel triển khai thành công năm 2019, tuy nhiên, 5G SA mới là mạng 5G thực sự và độc lập hoàn toàn so với công nghệ 4G hiện tại. So với mạng 5G NSA, ngoài cung cấp các dịch vụ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, 5G SA còn đáp ứng yêu cầu độ trễ siêu thấp, khoảng 1ms, tốt hơn nhiều mạng 5G NSA và gấp 20 lần 4G truyền thống giúp cung cấp các dịch vụ yêu cầu sự phản hồi tức thì như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, điều khiển từ xa trong nhà máy thông minh, lớp học thực tế ảo,…

Viettel Gia Lai tổ chức Roadshow chào mừng 20 năm kinh doanh dịch vụ di động và khai trương dịch vụ 5G.

Viettel đã phát triển sẵn các open APIs (cung cấp dữ liệu, cung cấp khả năng cấu hình và tương tác với mạng 5G Viettel) theo chuẩn của GSMA cho cộng đồng phát triển ứng dụng tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này giúp các nhà phát triển ứng dụng dễ dàng sáng tạo trên nền tảng 5G Viettel.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, Viettel công bố hơn 130 user cases là các ứng dụng và giải pháp dành cho các tổ chức thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, smart city, giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, năng lượng. Các giải pháp này được may đo theo từng nhu cầu riêng, tích hợp các công nghệ cloud, AI, IoT trên nền 5G với khả năng kết nối với mật độ cực lớn.

“Viettel Gia Lai cam kết sẽ hỗ người dân, khách hàng trải nghiệm và sử dụng đầy đủ các dịch vụ, tiện ích của mạng 5G, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số", Thiếu tá Phùng Văn Mẫn nhấn mạnh.

Tin, ảnh: HƯƠNG NỮ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.