Tại hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến đã phân tích rõ thực trạng thi hành pháp luật trong phòng, chống mại dâm; kiến nghị hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mại dâm, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về giải quyết vấn đề mại dâm trên cơ sở pháp luật.
 |
Các đại biểu tham gia hội thảo. |
Theo số liệu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Việt Nam có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó người bán dâm là nữ hiện khoảng 75.000 người. Tính riêng năm 2017, đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm và các đoàn kiểm tra liên ngành lĩnh vực văn hóa, đoàn kiểm tra của ngành công an các địa phương đã tiến hành kiểm tra hơn 26.500 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện hơn 9.500 cơ sở vi phạm... Việc thi hành pháp luật về phòng, chống mại dâm đến nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, một phần do hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm, đặc biệt là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã ban hành gần 15 năm nay nên nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới, chưa đảm bảo sự thống nhất với các quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháo luật, Bộ Tư Pháp nhấn mạnh: "Xử lý cũng chỉ là biện pháp cuối cùng khi công tác phòng ngừa mại dâm không hiệu quả. Mức xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán dâm hiện nay lại không đủ sức răn đe, nhiều trường hợp chỉ dừng ở mức cảnh báo. Vì vậy cần phải tính đến việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để thực sự giải quyết có hiệu quả hoạt động mại dâm trong thời gian tới".
Tại hội thảo, các tham luận cũng đề cập tới những vấn đề như: Xây dựng các mô hình hỗ trợ tại cộng đồng đối với người bán dâm để có thể cung cấp kịp thời các dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ học nghề, tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững; đẩy mạnh việc hoàn thiện các chế tài hình sự, hành chính nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm, đặc biệt là các hành vi tiếp tay, bao che, thiếu trách nhiệm của cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm...
Tin, ảnh: LINH PHƯƠNG