Theo đánh giá, mùa khô năm 2015-2016 là năm có dòng chảy về ĐBSCL ở mức cực thấp nên xâm nhập mặn sớm, sâu trên hệ thống sông, kênh vùng ven biển. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp lớn; đồng thời lượng bốc hơi cao, nước ngọt hao phí tự nhiên lớn. Do các yếu tố trên, kết hợp với những ngày triều cường, gió chướng mạnh nên xâm nhập mặn ĐBSCL đã, đang và sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sản xuất và nguồn nước phục vụ sinh hoạt và khả năng kéo dài đến hết mùa khô nếu không có mưa.

Tại buổi làm việc, đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo, độ mặn lớn nhất đo được tại các sông, cửa sông có tỷ lệ rất cao so với cùng kỳ các năm.

 Quang cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Xâm nhập mặn nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực (gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang) với khoảng 155 nghìn hộ (575 nghìn người) bị thiếu nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các tỉnh cũng đang thời kỳ “khát nước”: Bến Tre có hơn 70% diện tích gieo trồng lúa bị thiệt hại; Cà Mau thiệt hại 50 nghìn ha lúa; Kiên Giang gần 34 nghìn ha lúa bị thiệt hại. Trong thời gian tới, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6-2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500 nghìn ha lúa vụ Hè Thu không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước.

Để giảm thấp nhất thiệt hại, các nghiên cứu được trình bày tại buổi làm việc đều thống nhất cần thực hiện các giải pháp lâu dài như: rà soát quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, cấp nước sinh hoạt… thích ứng với thời tiết cực đoan và phát triển thượng nguồn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng công trình, phi công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm chủ động ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Lúa chết cháy do hạn mặn ở bán đảo Cà Mau.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Hạn hán và xâm nhập mặn đang là thiên tai nghiêm trọng tại ĐBSCL. Chính phủ sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương kinh phí để giải quyết các dự án công trình và phi công trình để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể và khôi phục sản xuất cho nhân dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao soạn thảo công hàm đề nghị phía Trung Quốc xả nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho Vùng ĐBSCL trong thời kỳ khô hạn; Bộ Nông nghiệp và các ngành cần hướng dẫn kỹ thuật để giữ và phát triển thủy sản trong lúc nước mặn, xây dựng những mô hình phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tin, ảnh: VIỆT HÀ