leftcenterrightdel
 Dự án hồ Đông Thanh - nơi diễn ra sự số sạt trượt, sụt lún đất nghiêm trọng.

Dự án hồ chứa nước Đông Thanh được khởi công từ năm 2022, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2024.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng, do UBND huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng đất 48,15ha, dung tích nước khoảng 3,05 triệu m3. Mục tiêu nhằm cấp nước tưới cho 700ha đất, cấp nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân, tạo cảnh quan môi trường, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch.

leftcenterrightdel
Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng bên bờ hồ Đông Thanh vừa mới khánh thành tháng 3-2023 nhưng đã bị hư hại do sụt lún đất.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại khu vực Dự án hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện sự cố nghiêm trọng, đe dọa tới an toàn của công trình và đời sống của nhân dân trong khu vực.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà của một hộ dân trong trong khu vực dự án bị hư hại hoàn toàn do tình trạng sụt lún đất.

Cụ thể từ đầu tháng 7, khu vực sườn đồi vai phải của đập xuất hiện một số vết nứt ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 3 hộ gia đình.

Đến nay, các vết nứt xuất hiện ngày càng nhiều, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, làm hư hỏng nhà cửa, đường giao thông và vườn tược của một số hộ dân. Đã có 9 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích tác động là 64.498m2, trong đó 5 hộ có nhà, vườn tược bị hư hỏng nặng, 4 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra thực tế tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Tác động của hiện tượng sạt trượt còn ảnh hưởng trực tiếp đến cụm công trình đầu mối Dự án hồ chứa nước Đông Thanh, cụ thể: Tràn xả lũ của hồ có chuyển vị (thay đổi vị trí) so với ban đầu. Một số đoạn, vị trí đáy và tường của dốc nước bị nứt, bị đẩy trồi lên cao hoặc xuống thấp so với  ban đầu, đường tránh ngập bị nứt, sụt lún…

leftcenterrightdel
Nhiều vị trí trên công trình tràn xả lũ của dự án hồ Đông Thanh đã bị tác động, hư hại.

Sau khi trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế, nghe báo cáo từ các bên liên quan và tham vấn ý kiến các chuyên gia đầu ngành về địa chất và xây dựng công trình thủy lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhất trí nhận định về nguyên nhân ban đầu dẫn tới sự cố đó là: Hiện nay, bên sườn đồi vai phải của đập và phía thượng lưu của hồ xuất hiện 2 cung trượt rộng và sâu.

Hai cung trượt này có lượng đất đá rất lớn, do mất cân bằng thế năng, trời mưa và liên kết địa chất yếu nên có xu hướng dịch chuyển về phía lòng hồ và thân đập, khiến mặt đất bị nứt, sụt lún, sạt lở, làm hư hại nhà cửa, hoa màu, đường giao thông, đồng thời đe dọa trực tiếp đến an toàn của công trình.

leftcenterrightdel
 Mặt đường trong khu vực dự án bị nứt, sạt lở.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Lâm Đồng cùng với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số giải pháp đó là: Làm chậm tốc độ dịch chuyển của 2 khối trượt. Tổ chức khảo sát, khoan thăm dò địa chất xung quanh khu vực dự án, trước mắt là đẩy nhanh, hoàn thành sớm 15 điểm khoan thăm dò đang thực hiện.

Tiếp tục quan trắc hiện trường dự án, hiện đã có 2 máy quan trắc nhưng chưa đủ, cần tăng điểm quan trắc, nhất là tại vị trí thân đập, ống xả, thượng lưu và hạ lưu của hồ. Tổ chức hạ tải phía đỉnh của khối trượt và gia cố phần chân khối trượt.

Tiến hành thoát nước trên bề mặt và nước ngầm dưới chân khối trượt nhằm ngăn chặn tình trạng bão hòa, tan rã của đất đá.

Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương tăng cường lực lượng, phương tiện, tổ chức trực theo dõi tình hình, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra, kết hợp chặt chẽ với các chuyên gia đầu ngành nhằm tìm giải pháp khắc phục.

Khẩn trương di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, chăm lo chu đáo đời sống các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ sụt lún. 

Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.