Đây là tập hợp những hình ảnh và câu chuyện của các nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị và các hoạt động hỗ trợ sinh kế của ROP do tác giả Phan Tân Lâm ghi lại với mong muốn góp phần thức tỉnh mọi người trước hiểm họa bom mìn và cùng chia sẻ, yêu thương.

Cuốn sách ảnh “Biến bãi chiến trường xưa thành vườn cây trái ở Việt Nam”.

Theo bà Heidi Kuhn, Sáng lập viên, Chủ tịch ROP, tổ chức phi chính phủ này bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010. ROP tập trung hỗ trợ nông dân tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Trị kỹ thuật canh tác các loại cây công nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương; áp dụng công nghệ hiện đại vào trồng trọt và bảo quản sau thu hoạch và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm tại các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, tổ chức còn trao tặng chân tay giả cho người khuyết tật.

Bà Heidi Kuhn và tác giả Phan Tân Lâm ký tặng sách tại buổi lễ ra mắt.

Đánh giá cao những nỗ lực của ROP, bà Phạm Anh Đào, Phó trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân cho biết: “Trong những năm qua, đã có gần 10 tấn bom các loại, 4 triệu quả mìn và 8 triệu vật liệu nổ khác được rà phá, giải phóng khoảng 10% diện tích bị ô nhiễm. Để có được kết quả đó, ngoài những nỗ lực không mệt mỏi của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, của các địa phương, không thể không nhắc tới những hỗ trợ rất thiết thực từ cộng đồng quốc tế, mà đặc biệt là từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ngoài giá trị về tài chính, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn đóng góp rất đáng kể vào nâng cao năng lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm cho các đơn vị rà phá bom mìn, chăm sóc toàn diện cho các nạn nhân bom mìn và phục hồi, phát triển sinh kế tại những khu vực bị ô nhiễm”.

Cũng trong buổi lễ ra mắt sách ảnh, ông Frank Yi, 84 tuổi đến từ Thượng Hải, Trung Quốc đã trao tặng ROP 1 triệu Nhân dân tệ (150.000 USD) nhằm hỗ trợ hoạt động của tổ chức tại Quảng Trị.

Tin, ảnh: NGỌC THƯ