16 địa phương đồng ý mở lại đường bay

Ngày 8-10, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, về kế hoạch và dự kiến mở lại đường bay nội địa, cục dựa trên kế hoạch vận tải và hướng dẫn ban hành vận chuyển tạm thời của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ đó lấy ý kiến 21 địa phương, là những nơi 22 cảng hàng không trên cả nước đang hoạt động. Cục HKVN đã nhận được 19 văn bản chính thức của các tỉnh, thành phố được hỏi ý kiến. Còn lại 2 tỉnh không ý kiến là Quảng Ninh và Quảng Ngãi.

Trong số 19 địa phương trả lời, có 3 tỉnh, thành phố chưa đồng tình, 16 địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa. Trong đó, Hải Phòng khẳng định không mở đường bay nội địa và không nói rõ thời gian. Gia Lai bày tỏ, trong giai đoạn trước mắt do yêu cầu phòng, chống dịch nên tạm thời chưa mở, có thể xem xét từ sau ngày 15-10.

 Các đường bay đi và đến sân bay Nội Bài vẫn đang chờ ý kiến của TP Hà Nội để khai thác trở lại.

Riêng Hà Nội, thành phố sẽ làm việc với Bộ GTVT về nội dung này. Trước đó, Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT chưa mở lại đường bay nội địa. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, Cục HKVN chỉ xin ý kiến Hà Nội, không gây sức ép về việc mở đường bay.

Theo ông Võ Huy Cường, hiện dịch bệnh ở nhiều địa phương đã có kết quả tích cực. Do vậy, xúc tiến nối lại hàng không nội địa là có căn cứ. Việc Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ là phi lý, không hiệu quả, không bảo đảm yêu cầu chống dịch, không bền vững nếu không có sự ủng hộ của các địa phương.

Trước đó, Cục HKVN dự kiến mở lại 10 đường bay nội địa từ ngày 10-10 trên cơ sở ý kiến thống nhất của các địa phương, gồm các đường bay giữa TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc (Kiên Giang), Thừa Thiên Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phú Quốc.

Ông Võ Huy Cường lưu ý, việc mở cửa trở lại hàng không phải từ từ, sau 10 ngày mở cửa sẽ rà soát, đánh giá lại để bổ sung, điều chỉnh. Giai đoạn đầu, Cục HKVN đã tham khảo ý kiến Bộ Y tế và có nhiều giải pháp, trong đó có cả cách ly y tế tại sân bay. 10 ngày sau sẽ tính toán, có thể nới lỏng giãn cách, thêm đối tượng được tham gia bay.

Đường sắt: Sẵn sàng nhân lực, phương tiện

Đối với lĩnh vực đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị cho ý kiến đối với kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt.

Theo kế hoạch này, khai thác trở lại đôi tàu SE7/SE8 trên tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh từ ngày 7-10 và một số đôi tàu trong tháng 10-2021. Đồng thời, cũng dự kiến khai thác vận tải hành khách trên một số tuyến như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Vinh, Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh, Phan Thiết - TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa thực hiện được vì đang chờ ý kiến của các địa phương. Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Cục ĐSVN sẽ có quyết định về số đôi tàu, ga dừng đỗ và thời gian chạy lại tàu khách trên các tuyến.

Hiện nay, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản thống nhất với Cục ĐSVN về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt tại ga Đà Nẵng. Dự kiến, nếu được các địa phương đồng ý, từ ngày 15-10 có thể chạy trở lại đôi tàu SE21/SE22 đối với tuyến Đà Nẵng-TP Hồ Chí Minh; cho phép tàu chạy tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh được dừng để đón, trả khách tại Đà Nẵng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị đường sắt có phương án chuẩn bị về phương tiện, nhân lực đáp ứng các yêu cầu phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ GTVT từ cuối tháng 9-2021 với tinh thần là sẵn sàng chạy tàu khách trở lại ngay từ đầu tháng 10-2021. Trong đó, bố trí lái tàu và nhân viên phục vụ trên tàu đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và đi tàu theo mô hình bong bóng (chia người lao động thành các nhóm nhỏ để hạn chế tiếp xúc rộng). Các đơn vị trên tàu, dưới ga nghiêm túc chấp hành quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt, trong quá trình giao tiếp và phục vụ hành khách

TP Hồ Chí Minh mở dần cho taxi, xe buýt

Tại TP Hồ Chí Minh, các loại hình vận tải như xe công nghệ dưới 9 chỗ ngồi, taxi, xe du lịch đã bắt đầu được hoạt động trở lại, tuy nhiên vẫn đang ở mức hạn chế với tỷ lệ 10-30% tổng số xe của mỗi đơn vị, tùy theo loại hình vận tải.

Xe phải có màn chắn giữa lái xe và hành khách. Trong khi đó, các loại hình vận tải hành khách bằng xe gắn máy chưa được hoạt động trở lại gồm cả "xe ôm" truyền thống và "xe ôm" công nghệ. Đối với xe buýt, hiện có 4 tuyến được mở lại ở huyện Cần Giờ, huyện đã kiểm soát dịch sớm nhất của thành phố.

 Phương tiện đi qua chốt kiểm dịch tại trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội). Ảnh: LA DUY.

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của chúng tôi, taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ, xe buýt, xe khách liên tỉnh vẫn chưa hoạt động và đang chở quyết định chính thức của cơ quan chức năng. Theo hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của Bộ GTVT, vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên, do Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định.

Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, Sở GTVT của địa phương hai đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại; trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại địa phương, Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng tần suất khai thác.

Bài, ảnh: MẠNH HƯNG