Mưa lớn làm mực nước lũ trên các sông lên nhanh, nhiều sông tại Hà Tĩnh và Quảng Bình lên mức xấp xỉ lũ lịch sử, gây ngập úng diện rộng, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông bị ngập sâu, đường sắt Bắc-Nam đi qua khu vực tỉnh Quảng Bình đã bị ngập nhiều đoạn, cản trở, ách tắc giao thông tuyến đường huyết mạch của đất nước. Mưa lũ những ngày qua ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã làm 21 người chết, 8 người mất tích, 18 người bị thương, 100.383 nhà bị ngập, hư hỏng. Đồng thời, mưa lũ cũng khiến 1.598ha lúa bị ngập úng; 3.074ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập. Đặc biệt mưa lũ gây ngập úng diện rộng, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông bị ngập sâu, đường sắt Bắc-Nam đi qua khu vực tỉnh Quảng Bình đã bị ngập nhiều đoạn, cản trở, ách tắc giao thông tuyến đường huyết mạch của đất nước.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, huy động lực lượng các Quân khu: 4, 5; Quân đoàn: 3, 4 ứng trực, sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, gồm: 215.992 chiến sĩ và 1.932 phương tiện (947 ô tô, 50 xe lội nước, 80 tàu, 855 xuồng các loại). Tỉnh Quảng Bình đã huy động lực lượng bộ đội di dời 1.856 hộ dân đến nơi an toàn, đồng thời hỗ trợ cung cấp nhiên liệu, thức ăn, nước uống cho cán bộ và hành khách trên tàu bị ách tắc. (THÁI HƯNG)
* Trước diễn biến của bão số 7 (bão Sarika), chiều 16-10, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương ven biển và 5 tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc Bộ để bàn các giải pháp ứng phó.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương: Khi vào biển Đông, bão số 7 ở cấp 13-14. Hoàn lưu bão rộng. Bão di chuyển nhanh khoảng 25km/h; sau đó di chuyển chậm lại, dự báo khoảng 3 ngày nữa bão sẽ vào vịnh Bắc Bộ ở cấp 12, cấp 13. Nguy hiểm nhất khi vào đến quần đảo Hoàng Sa, bão số 7 với gió giật cấp 14 (tương đương bão Haiyan). Lượng mưa sẽ từ 200 đến 250mm ở Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Bão số 7 đổ bộ đúng thời điểm triều cường lớn nhất trong năm gây nước dâng 2m, sóng cao 3-5m. Ngoài ra, trên Thái Bình Dương còn có một siêu bão có tên quốc tế là bão Hải Mã.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Đối phó với bão số 7 cùng lúc chúng ta đang phải khắc phục những thiệt hại do áp thấp nhiệt đới vừa qua. Đây là cơn bão lớn, hình thành khá nhiều ngày ở Thái Bình Dương, phạm vi vùng biển nguy hiểm rất rộng, từ Khánh Hòa đến Quảng Ninh. Ngoài ra, do tác động kết hợp của gió Đông Bắc khi bão đổ vào có khả năng gây mưa nên cần phải đề phòng cảnh giác. Riêng các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, hiện diện tích lúa mùa chưa thu hoạch còn khá lớn, nếu bão đổ bộ vào sẽ gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, các hồ chứa nhỏ ở khu vực Bắc Trung Bộ hiện đã đầy nước, cần phải hết sức lưu ý. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng sạt lở đất do mưa lũ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương trong việc ứng phó với mưa lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra những ngày qua. Phó thủ tướng cũng lưu ý: Bão số 7 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và hiện còn một cơn bão có tên Hải Mã ở trên Thái Bình Dương, đây là tổ hợp của nhiều thiên tai. Để giảm tối đa thiệt hại do bão số 7 gây ra, Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện 1826 và 1827 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung tìm kiếm người mất tích, động viên thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho người dân. Tập trung phục hồi sản xuất, sửa chữa nhà cửa giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh, khôi phục các tuyến giao thông huyết mạch. Tùy tình hình các địa phương có thể áp dụng các biện pháp: Cho học sinh nghỉ học, chủ động di dời dân ở vùng xung yếu…. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp kiểm tra an toàn các hồ chứa, đồng thời chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, dự trữ các hàng hóa thiết yếu. Bộ Quốc phòng và Công an chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Bộ Giao thông vận tải bảo đảm an toàn các tàu, thuyền, khôi phục hệ thống giao thông. Bộ Y tế chủ động phòng, chống dịch bệnh, cứu chữa người bị thương do thiên tai. (NGUYỄN KIỂM).
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ thực phẩm cho bà con xã Phương Điền, huyện Hương Khê.
* Ngày 16-10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá 1,97 tỷ đồng cho người dân 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Đợt cứu trợ bao gồm: 1 tỷ đồng tiền mặt, 900 thùng hàng gia đình, 300 bộ dụng cụ sửa nhà, 70.000 viên lọc nước Aquatabs, 200 bình lọc nước (20l), 100 thùng dầu gội đầu. Theo đó, hỗ trợ 3 triệu đồng/gia đình có người chết; còn lại hỗ trợ một trong các mặt hàng (gồm thùng hàng gia đình, bình lọc hộ gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà) hoặc tiền mặt 500.000 đồng/hộ để mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Tại Quảng Bình, Hội Chữ thập đỏ cũng sẽ vận hành hệ thống lọc nước để lọc nước sạch phục vụ sinh hoạt cho cộng đồng cư dân.
(Tin, ảnh: LÊ HIỀN)
* Thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã có 3 Điện số 71, 113, 114/TK chỉ đạo các Quân khu 3, 4, 5, 7; các Bộ tư lệnh: Hải quân, Phòng không-Không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; các Binh chủng: Công binh, Thông tin liên lạc; Binh đoàn 18 triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão số 7.
Chiều 15-10, Bộ Quốc phòng cử đồng chí Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Ủy viên Thường trực-Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu) tham gia đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung.
Bộ tư lệnh Hải quân, các Quân khu: 3, 4, 5, 7 đã có điện chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Điện số 71/TK ngày 15-10 của Bộ Quốc phòng. Quân khu 4 tổ chức hai đoàn công tác đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nắm và chỉ đạo công tác triển khai ứng phó lũ, lụt.
Tính đến tối 16-10, BĐBP các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phối hợp với địa phương và gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm hướng dẫn cho 70.635 phương tiện với 287.783 người, 2.339 lồng bè với 2.447 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể khu vực Hoàng Sa: 29 tàu với 276 ngư dân Quảng Ngãi; ven bờ và các vùng biển khác: 10.327 tàu với 52.529 ngư dân; neo đậu tại các bến: 60.308 tàu với 235.254 ngư dân.
Lúc 12 giờ ngày 16-10, tàu Cảnh sát biển 9004 đã tổ chức cứu, kéo được tàu HD 2578 ra cạn và tiến hành đưa tàu trên về Hòn La, Quảng Bình neo đậu. Tàu Cảnh sát biển 8003 phối hợp với tàu SAR 412 tiếp tục tổ chức tìm kiếm 5 thuyền viên mất tích của 2 tàu HD 2138 và HD 2155 từ Cửa Sót, Hà Tĩnh đến Cửa Gianh, Quảng Bình. (PHAN ANH-CHUNG THỦY)
* Theo Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị): Tính đến chiều 16-10, Quân khu 4 và Bộ CHQS các tỉnh trên địa bàn đã huy động hơn 4.550 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân, tự vệ cùng nhiều phương tiện xuồng, ô tô các loại tham gia giúp dân chống lụt, khắc phục hậu quả; đã phối hợp di dời tổng số hơn 6.150 hộ dân đến nơi tránh trú an toàn. Quân khu 4 cử 2 tổ quân y của Bệnh viện Quân y 4 và Bệnh viện Quân y 268 giúp nhân dân phòng, chống dịch bệnh.
Cục Dân vận đã chỉ đạo Phòng Dân vận Quân khu 4 báo cáo Cục Chính trị Quân khu chỉ đạo các đơn vị tổng hợp các trường hợp gia đình quân nhân bị thiệt hại, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị. Các đơn vị quân đội trong vùng ngập lụt, cùng với nỗ lực giúp dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại của đơn vị, báo cáo cấp trên. (ANH QUÂN)