*Lực lượng vũ trang tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn

Tại Hà Tĩnh, mưa lớn gây ngập lụt 9 xã tại huyện Hương Khê, 6 xã của huyện Cẩm Xuyên; 2 xã (Kỳ Thượng và Kỳ Lạc) tại huyện Kỳ Anh bị cô lập, phải di dời 29 hộ dân; nhiều tuyến đường tại TP Hà Tĩnh bị ngập. Tại Quảng Bình, Đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn K900-K911 (huyện Minh Hóa) bị ngập 0,8m; đường sắt Bắc Nam qua xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa) bị ngập; các tuyến đường quốc lộ: 9b, 15, 12A, tỉnh lộ 559, 559B, 561, 570B, 561 bị ngập sâu 0,5-0,8m gây ách tắc giao thông. Tại các huyện: Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, nhiều vị trí nước ngập sâu từ 1-2,8m gây chia cắt nhiều địa bàn. Các địa phương vẫn đang khẩn trương, tích cực tìm kiếm người mất tích, đồng thời duy trì các lực lượng sẵn sàng tiếp tục ứng phó với diễn biến mưa, lũ và khắc phục hậu quả.

leftcenterrightdel

Nhiều nhà hàng nổi tại thành phố Đồng Hới chìm trong biển nước. Ảnh: TTXVN  

leftcenterrightdel
 

Xóm 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngập chìm trong nước, khiến người dân phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: TTXVN

 

Không để người dân bị đói, khát

* Trước tình hình thiệt hại do mưa, lũ ở các tỉnh miền Trung, ngày 15-10, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 công điện  số 1826/CĐ-TTg và 1827/CĐ-TTg gửi UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Y tế…

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng. Để chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa, lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa, lũ. Kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, phối hợp với các địa phương chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực để bảo đảm an toàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du...

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thừa Thiên-Huế

Chiều ngày 15-10, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã vào Thừa Thiên-Huế để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền Trung. Tham gia đoàn công tác của Phó thủ tướng có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 2 người chết và 2 người bị thương do mưa lũ đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Toàn tỉnh có 6 ngôi nhà bị sập, 334 nhà bị tốc mái từ 20-75%, tập trung ở các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà...

Phó thủ tướng chỉ đạo, trong những ngày tới, tỉnh cần tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 7, bảo đảm an toàn cho người dân. Phó thủ tướng yêu cầu kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các đơn vị phòng, chống lũ bão

Ngày 15-10, trước tình hình bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở miền Trung, Bộ Tổng tham mưu đã gửi Công điện số 71/TK tới các cơ quan, đơn vị chỉ đạo về công tác phòng, chống lụt bão. Nội dung công điện nêu rõ: Các đơn vị từ Quân khu 3 đến Quân khu 7 phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin về mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn, khi có tình huống xảy ra tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương các giải pháp ứng phó, xử lý. Tổ chức rà soát thật kỹ các khu vực dễ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, các vùng có thể ngập úng… để có biện pháp giúp nhân dân phòng tránh, hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra. Các đơn vị thuộc Bộ đội Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Sarika, thông báo kịp thời cho các tàu thuyền của ngư dân đang hoạt động trên Biển Đông để có biện pháp phòng tránh, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các đơn vị khác sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân trong việc cứu hộ đê điều, phòng chống sập đổ công trình… (TRẦN MINH)

Lực lượng vũ trang kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn

Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị (TCCT) đã tổng hợp, báo cáo Thủ trưởng TCCT về tình hình lũ lụt, những thiệt hại và tinh thần xung kích của LLVT, kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Theo đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Tại Quảng Bình, hơn 50 tàu cá của dân bị đứt neo, bị đẩy trôi, một số tàu bị chìm. Hơn 130 hành khách (trong đó có 96 người nước ngoài) bị ách tắc ở ga Lệ Sơn (huyện Tuyên Hóa) đã được Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng đưa về thành phố Đồng Hới an toàn. Tại các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, nhiều nơi nước ngập sâu, gây chia cắt nhiều địa bàn. LLVT cùng chính quyền địa phương đã tiến hành di dời 78 hộ dân ở huyện Quảng Trạch, hơn 1.500 hộ dân ở huyện Bố Trạch và 278 hộ dân ở huyện Tuyên Hóa... đến nơi an toàn.

Đến chiều 15-10, Quân khu 4 đã điều động gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ; Bộ CHQS các tỉnh điều động 17 xuồng cao tốc và 27 ô tô các loại tham gia giúp dân chống lụt, khắc phục hậu quả. Hiện nay, LLVT Quân khu 4 và các địa phương trên địa bàn vẫn đang tích cực phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích, tích cực tham gia khắc phục hậu quả, đồng thời sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp do mưa lũ. (ANH QUÂN)

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cứu các tàu cá bị nạn 

Khoảng 2 giờ ngày 15-10, do mưa lớn ở phía thượng nguồn làm sông Roòn ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) xuất hiện lũ bất ngờ, khiến hàng chục tàu đánh cá của ngư dân xã Cảnh Dương neo đậu ở đây bị nước cuốn chìm, gây mắc cạn hoặc bị cuốn trôi ra biển… Lực lượng chức năng huyện Quảng Trạch đã phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng Roòn (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình), lực lượng Cảnh sát biển, Cảng vụ Sông Gianh để tham gia cứu hộ, kéo 3 thuyền đánh cá trôi dạt trên biển vào bờ.

Tại những khu vực nguy hiểm, lãnh đạo và chính quyền địa phương đã chỉ đạo, tiến hành sơ tán dân. Theo đó, đã sơ tán 78 người tại xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch đến những nhà cao tầng; di dời 1.500 hộ tại các xã Hưng Trạch, Sơn Trạch, Mỹ Trạch, Liên Trạch, Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) và 287 hộ huyện Tuyên Hóa đến những nơi cao ráo, an toàn. Ngoài ra, giao thông trên các tuyến quốc lộ bị chia cắt; đường sắt bị ngập lụt. Hiện có 1 tàu khách với 132 khách đang kẹt tại ga Lệ Sơn. 

Sáng 15-10, UBND tỉnh Quảng Bình đã cử các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến kiểm tra công tác phòng, chống lũ lụt, thăm hỏi các gia đình bị lốc xoáy và người bị thương tại huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục cứu hộ, cứu nạn các tàu đứt neo đang bị mắc kẹt, các tàu trôi dạt trên biển và tìm kiếm người mất tích. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương cử cán bộ, chiến sĩ sử dụng phương tiện tiếp cận và hỗ trợ tàu khách đang mắc kẹt tại ga Lệ Sơn về nguyên liệu chạy tàu, thức ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để bảo đảm đời sống và an toàn cho cán bộ và khách trên tàu. 

Hà Tĩnh phát hàng nghìn áo phao, bè cứu sinh

Tỉnh Hà Tĩnh đã có 3 người chết và mất tích do mưa lũ, đồng thời mưa lũ cũng gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn của 9 huyện, thị xã và thành phố với 24.158 hộ dân. Địa phương có số xã bị ngập nhiều nhất như: Huyện Thạch Hà với 24 xã bị ngập, Cẩm Xuyên với 20 xã, huyện Hương Khê với 16 xã bị ngập; 723ha lúa bị ngập, hoa màu bị ngập úng hư hại hơn 1.416ha. Gia cầm bị chết và cuốn trôi hơn 99.000 con; gia súc bị chết và bị cuốn trôi gần 2.000 con trâu, bò và lợn. Mưa lớn cũng đã làm một số tuyến đường giao thông bị ách tắc như: Quốc lộ 15B, Quốc lộ 15, các tuyến đường tỉnh lộ ĐT 553 và ĐT 554. 

Ngày 15-10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định cấp phát hơn 2.300 phao, bè cứu sinh nhằm ứng phó sự cố, thiên tai gồm 800 chiếc  áo phao cứu sinh, 1.500 chiếc phao tròn cứu sinh, 40 bộ nhà bạt loại 16,5m2 và 20 chiếc phao bè cứu sinh cho 13 huyện, thị xã, thành phố và 5 đơn vị khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó 3 huyện miền núi như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang đã được UBND tỉnh cấp phát với số lượng hơn 220 cái các loại.

Bão Sarika giật cấp 16-17 đang tiến vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương: Hồi 13 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão Sarika ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Phi-líp-pin) khoảng 280km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16-17. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Đến 13 giờ ngày 16-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc Vĩ tuyến 15 và phía Đông Kinh tuyến 116.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km và có khả năng mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Do mưa lớn, lưu lượng nước đến các hồ chứa thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh và Quảng Bình tăng nhanh. Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn hai tỉnh trên.

Chuyển hơn 1.000 hành khách đi tàu Bắc-Nam khỏi khu vực lũ lụt

leftcenterrightdel

Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được vị trí tàu SE19 tại Quảng Bình bị mắc kẹt do mưa lũ để đưa hành khách ra vị trí an toàn. Ảnh: TTXVN

leftcenterrightdel
Ca nô của lực lượng vũ trang tiếp cận vị trí tàu SE19 bị mắc kẹt để đưa hành khách ra nơi an toàn. (Ảnh chụp lúc 13 giờ ngày 15-10). Ảnh: TTXVN 

Ngày 15-10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ tại địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, hàng chục vị trí trên tuyến đường sắt Bắc Nam bị ngập nước, xói lở phải phong tỏa. Từ 15 giờ ngày 15-10, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức chuyển tải hơn 1.000 hành khách ra khỏi khu vực lũ lụt, bảo đảm an toàn. Các đoàn tàu hàng sẽ tiếp tục hành trình khi đường thông. Các đơn vị của ngành đường sắt trong khu vực bị ảnh hưởng được yêu cầu thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với hậu quả do mưa lũ gây ra; đồng thời, tập trung vật tư, nhân lực, triển khai công tác cứu chữa. Tổng công ty ĐSVN đã điều động hàng trăm công nhân tham gia cứu chữa, khắc phục sự cố và theo dõi trực chốt tại các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở. Các công ty vận tải đường sắt chuẩn bị lương thực, thực phẩm để phục vụ ăn uống cho hành khách trên tàu; lập phương án chuyển tải hành khách khi điều kiện cho phép.

HƯNG THÁI - HOÀNG XUÂN - MẠNH HƯNG VÀ TTXVN