Sáng 18-11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế "Kết nối giữa Nam Á với Đông Á và Đông Nam Á: Quá khứ và hiện tại”.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Với sự phát triển năng động và vị trí địa chiến lược quan trọng, ba khu vực Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á đang tạo nên một tam giác phát triển rộng lớn mà nếu được kết nối chặt chẽ với nhau có thể đóng vai trò then chốt trong việc định hình một trật tự thế giới mới lấy châu Á làm trung tâm.
Việc đề ra các sáng kiến nhằm thắt chặt mạng lưới kết nối ở các khu vực trên nhằm tạo cơ sở hạ tầng cho các tương tác về kinh tế, chính trị, xã hội ở cường độ cao hơn trở nên rất cần thiết và cấp thiết. Hội thảo được tổ chức với mong muốn làm rõ các kết nối xuyên suốt trong chiều dài lịch sử của khu vực Nam Á với hai khu vực địa lý quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Đông Á và Đông Nam Á, đồng thời đề xuất những giải pháp để thúc đẩy kết nối bằng cách xây dựng khả năng tương tác lớn hơn, phát triển năng lực chia sẻ thông tin, nhận thức về các lĩnh vực, mở rộng sự hợp tác với các đồng minh và đối tác.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Nội dung hội thảo tập trung vào những vấn đề như: Xác định các mối liên kết trong lịch sử và hiện tại giữa Nam Á với Đông Á và Đông Nam Á; các yếu tố chính ảnh hưởng đến kết nối liên khu vực và hội nhập; kết nối trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, an ninh, xã hội và văn hóa…; các kết nối song phương; mạng lưới kết nối tiểu vùng… Bên cạnh đó, hội thảo cũng phân tích những thách thức mà cả ba khu vực phải đối mặt như: Hậu quả của đại dịch Covid-19, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu... đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm hướng đến sự phát triển đồng đều trong tất cả các lĩnh vực kết nối ở cả Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á.
Hội thảo là diễn đàn học thuật cởi mở, chuyên nghiệp và thẳng thắn về những cách thức mở rộng và phát huy kết nối giữa Nam Á với Đông Á và Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy sự hội nhập và thịnh vượng của khu vực châu Á.
Tin, ảnh: THU THỦY
Trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng UNESCO ngày 17-11 tại trụ sở ở thủ đô Paris, Pháp, Việt Nam chính thức được các nước thành viên UNESCO bầu vào Hội đồng chấp hành, một trong những cơ quan điều hành quyền lực nhất của tổ chức.