Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều đơn vị đào tạo trên cả nước như Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng miền Trung, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ… và Tập đoàn Đèo Cả đã thiết lập hợp tác chặt chẽ trong công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, dư địa phát triển của ngành giao thông vận tải Việt Nam còn rất lớn, từ đường bộ đến đường sắt, hàng không. Kiên định chiến lược tăng trưởng tập trung, trọng tâm là hạ tầng giao thông với các nhiệm vụ cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, yêu cầu đặt ra không chỉ là phát triển mà quan trọng hơn là phát triển bền vững. Do đó, hoạt động đào tạo sẽ là ưu tiên hàng đầu.

leftcenterrightdel
 Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ vận hành công trình hạ tầng giao thông. Ảnh: BÍCH LIÊN

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, con người và văn hóa là hai thứ không thể vay mượn. Nếu không quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực thì một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững, tri thức là nền tảng để vươn tầm quốc tế. Hợp tác đào tạo có sự kết hợp giữa kiến thức hàn lâm với thực tiễn công việc, để tri thức mới tiếp cận ngay lập tức được vận dụng giải quyết những công việc cụ thể thực tế.

Đáng chú ý, năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả bắt đầu tiến hành các chương trình đào tạo bậc Đại học và Cao học về đường sắt - metro để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là năm đầu tiên đơn vị tiến hành chương trình đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ cho đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình ngắn hạn nâng cao năng lực (kiến thức, kỹ năng chuyên môn)...

leftcenterrightdel

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) và liên danh đơn vị thi công ký kết hợp đồng xây dựng hầm đường sắt, lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: BÍCH LIÊN 

GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, các nội dung đào tạo được cụ thể hóa để sát nhất những gì đặt ra đối với sự phát triển của từng đơn vị, vừa giải quyết được những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tầm nhìn đối với những vấn đề dài hạn. Các môn học như quản trị chiến lược, kỹ năng lãnh đạo, quản lý dự án… hay ứng dụng mô hình BIM (mô hình thông tin xây dựng) trong quản lý, tổ chức thi công đã được xây dựng, tổ chức đào tạo, cho áp dụng cụ thể tại các dự án giao thông.

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả giúp phát huy hiệu quả sản phẩm của quá trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và của ngành giao thông. Đây cũng được đánh giá là mô hình mới, sáng tạo, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia cho ngành giao thông vận tải và các lĩnh vực khác.

leftcenterrightdel
Một buổi đào tạo gắn liền với thực tiễn công việc cho các cán bộ, người lao động dự án giao thông. Ảnh: BÍCH LIÊN

Theo PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, phương pháp đào tạo nhân lực bám sát thực tế trong quá trình thực hiện các dự án khó không chỉ bồi dưỡng chất lượng nhân lực tốt, có khả năng thực chiến, là nền tảng để thực hiện thành công các dự án mà còn là cơ sở kiểm chứng cho các kiến thức, chuyên đề, đề tài nghiên cứu của các học viên. Từ đó, cơ sở đào tạo không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải trong tương lai.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.