Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Thị Mai Phương, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum cho biết, hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong nhiều năm qua, truyền thông chính sách, pháp luật góp phần quan trọng giúp đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chủ trương, chính sách về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. Truyền thông chính sách, pháp luật cũng trở thành cầu nối để truyền tải những vướng mắc, khó khăn, tâm tư của bà con kiều bào tới Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

leftcenterrightdel

 Ông Phan Hồng Nguyên, Phó vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các giải pháp tăng cường truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài và góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan trong công tác này. Đại diện Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, nhiều chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành, gồm: Các văn kiện tại các kỳ Đại hội Đảng, Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26-3-2004; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 và gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị. Các chính sách này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và là cơ sở quan trọng để công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có công tác truyền thông chính sách và dự thảo chính sách pháp luật được triển khai một cách hiệu lực, hiệu quả.

Theo bà Phạm Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục lấy thông tin và ý kiến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, lựa chọn hình thức truyền thông dự thảo chính sách pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; nghiên cứu khả năng dịch các văn bản dự thảo chính sách, pháp luật sang các ngôn ngữ phổ biến để đa dạng hóa đối tượng tham gia đóng góp ý kiến…

Tin, ảnh: PHƯƠNG LINH