Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, hiện nay dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống, sức khỏe và tính mạng người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia hiện nhận định dịch Covid-19 khó có thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin và thuốc điều trị sẽ giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỉ lệ mắc mới.

Do đó, nhiều quốc gia đã thực hiện thay đổi chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 từ gắng sức dập dịch dứt điểm chuyển sang chung sống an toàn với dịch bệnh, Việt Nam cũng trong xu hướng đó. Trước tình hình đó, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những khó khăn, thách thức do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp để phục hồi và thích ứng trên lĩnh vực xã hội nhằm ổn định và phát triển đất nước.

GS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Nói về tác động kinh tế-xã hội của dịch Covid-19, PGS, TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc ảnh hưởng đến sức khỏe, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như tình trạng lao động việc làm. Tại những địa phương có dịch đã phải áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, khiến nhiều hoạt động kinh tế và đời sống xã hội bị hạn chế, gián đoạn.

Toàn cảnh hội thảo. 
 

Để thích ứng thị trường lao động (TTLĐ) trong tình hình mới, TS Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, mô hình quản trị TTLĐ cần được điều chỉnh theo hướng an ninh-linh hoạt; ưu tiên đầu tư vào đào tạo nâng cao kỹ năng và đào tạo lại cho người thất nghiệp và người chuyển đổi việc làm. Bên cạnh đó, cải cách hệ thống dịch vụ việc làm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa; tăng cường chính sách và chương trình bảo vệ thu nhập đối với các nhóm lao động yếu thế. Ngoài ra, cần tăng cường đối thoại xã hội, thỏa ước lao động tập thể và có chính sách, biện pháp quản lý rủi ro TTLĐ.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các tham luận về vấn đề an toàn sản xuất và vai trò của doanh nghiệp trong bảo đảm mục tiêu kép trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, phục hồi và thích ứng giáo dục-đào tạo trong đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của Covid-19 đến sức khỏe tinh thần…

Tin, ảnh: LA DUY