Với tinh thần chủ động, quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, Long An đã kiểm soát được dịch bệnh từ rất sớm. Đồng chí Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An có cuộc trao đổi với Báo Quân đội nhân dân về kinh nghiệm phòng, chống dịch (PCD) và những chủ trương, biện pháp của địa phương để phục hồi kinh tế-xã hội trong giai đoạn bình thường mới.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, tỉnh Long An đã chủ động ứng phó như thế nào trước diễn biến của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư?

Đồng chí Nguyễn Văn Út: Quan điểm chung trong công tác PCD Covid-19 của tỉnh là phải chủ động, đi trước một bước, đồng bộ trong cách xử lý. Khi dịch Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu bùng phát mạnh, tỉnh Long An đã nhanh chóng triển khai xây dựng Kế hoạch số 2727/KH-SCH ngày 19-8-2021 chỉ trong một đêm, với tinh thần áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng ở mức cao hơn.

Chính vì vậy, trong 15 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh, chỉ có 5 đơn vị gồm: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và TP Tân An có dịch bùng phát mạnh, những địa phương còn lại vẫn quyết liệt thực hiện các giải pháp giữ vững “vùng xanh”. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu PCD, tỉnh đã phát huy vai trò của lực lượng vũ trang (LLVT) trong mọi nhiệm vụ. Sở Y tế chủ động phối hợp tập huấn về xét nghiệm nhanh cho cán bộ, chiến sĩ LLVT nhằm tăng thêm lực lượng tầm soát, kiểm soát dịch trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Sản xuất trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch tại Công ty TNHH TEXRAY (Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, Long An). Ảnh: HỒNG GIANG 

PV: Đồng chí vừa đề cập đến vai trò của LLVT tỉnh trong công tác PCD, điều này được thể hiện cụ thể ra sao?

Đồng chí Nguyễn Văn Út: Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, LLVT tỉnh đã tham gia rất nhiều lĩnh vực, là lực lượng nòng cốt, chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo PCD của tỉnh, UBND tỉnh về các biện pháp PCD hiệu quả. Đó là việc phát huy hiệu quả “4 tại chỗ”, nhất là sử dụng lực lượng tại chỗ. LLVT tỉnh đã huy động, tăng cường gần 12.000 cán bộ, chiến sĩ là bộ đội thường trực, dân quân tự vệ để PCD.

Lực lượng quân sự không chỉ tham gia tuần tra, kiểm soát, phục vụ trong các khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, mà còn tham gia lấy mẫu xét nghiệm nhanh, hỗ trợ tiêm vaccine ngừa Covid-19, triển khai chuyển và đưa các gói an sinh đến người dân... Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh với tính kỷ luật, chính quy, thống nhất cao đã thực hiện tốt vai trò trong PCD, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong bất kể tình huống nào. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, LLVT tỉnh đã đẩy mạnh công tác dân vận với nhiều hình thức phù hợp, ý nghĩa; trong đó, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, như: “Phiên chợ 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Đường dây nóng gạo nghĩa tình”, “Hũ gạo tình thương”... góp phần cùng nhân dân vượt qua đại dịch.

PV: Vấn đề nào mà đồng chí tâm đắc nhất trong công tác PCD?

Đồng chí Nguyễn Văn Út: Đó là sự đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất về nhận thức, tập trung về hành động và sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Long An có vị trí rất đặc biệt, vừa có nhiều huyện giáp với TP Hồ Chí Minh, vừa có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia, đòi hỏi công tác PCD phải có đặc thù. Tỉnh đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới với 3 tầng, gồm 36 chốt kiểm soát do lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an, bộ đội địa phương phối hợp thực hiện. Tổ chức các đội tuần tra cơ động dọc tuyến biên giới và phía trong là lực lượng tại chỗ của địa phương, kiểm soát tốt người, phương tiện, hàng hóa qua biên giới nên không có ca lây nhiễm từ biên giới vào nội địa.

Trước đợt dịch lần thứ tư, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản với dự kiến số lượng bệnh nhân Covid-19 từ 5.000 đến 10.000 ca, nhằm chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nhân lực để ứng phó. Tuy nhiên, khi có số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng nhanh, tỉnh nhanh chóng điều chỉnh kịch bản lên từ 15.000 đến 20.000 ca nhiễm, sẵn sàng cho tình huống 30.000 ca, huy động tối đa cơ sở vật chất trong thu dung, điều trị, nên đáp ứng tốt yêu cầu PCD đặt ra. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp và người dân đã đồng thuận rất cao với những chủ trương, biện pháp PCD của tỉnh, tạo nên sức mạnh và “lá chắn” hiệu quả trước đại dịch.

PV: Đối với nhiệm vụ phục hồi kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, tỉnh có chủ trương, biện pháp thích ứng linh hoạt như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Út: Long An là tỉnh mở cửa sớm nhất, tạo điều kiện sớm nhất cho đội ngũ chuyên gia, lao động tay nghề cao, kể cả lực lượng công nhân trở lại làm việc. Hiện tại, tỉnh đã mở cửa các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ lưu trú, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, kể cả cho phục vụ tại chỗ ở một số điểm nhưng phải bảo đảm tuân thủ "5K" và những điều kiện PCD. Thời gian tới, chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi ưu tiên phục hồi kinh tế-xã hội kèm theo các điều kiện của bình thường mới. Từ ngày 24-8, tỉnh bắt đầu nghiên cứu xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh với nhiều giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn đến ngày 15-10 là khôi phục sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (dự kiến có khoảng 40% doanh nghiệp đi vào hoạt động). Từ ngày 15-10 đến cuối tháng 12-2021 sẽ đưa 80% doanh nghiệp trở lại hoạt động. Tín hiệu đáng mừng là khi kết thúc giai đoạn 1 (đến ngày 15-10), tỉnh đã có 73% doanh nghiệp hoạt động trở lại và hiện nay là hơn 80%.

PV: Thời gian còn lại của năm 2021, tỉnh tập trung vào những vấn đề đột phá nào cho phục hồi kinh tế-xã hội?

Đồng chí Nguyễn Văn Út: UBND tỉnh Long An đã sớm ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an toàn PCD Covid-19. Theo đó, tỉnh tập trung các giải pháp hỗ trợ, tác động ngay đến doanh nghiệp, nền kinh tế, phát huy cao nhất hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đang triển khai, phù hợp với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong năm 2021. Cùng với đó là ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Về mục tiêu tăng trưởng cả năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỉnh cố gắng giữ vững mức tăng trưởng dương.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã mở hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các ngành nghề thương mại, dịch vụ, tạo việc làm cho người lao động... Một thuận lợi của tỉnh là lực lượng lao động tại chỗ không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, số lao động trở về quê tránh dịch không nhiều. Tỉnh cũng thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Các cơ quan, địa phương phối hợp theo dõi, cập nhật tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nắm bắt những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời. Tỉnh cũng đang quyết liệt trong công tác giải ngân đầu tư công; đồng thời, không ban hành quy định riêng nào của tỉnh ngoài quy định luồng xanh để tạo điều kiện tối đa cho lưu thông hàng hóa trong tỉnh và liên vùng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHI HÙNG - XUÂN CƯỜNG - HÙNG KHOA (thực hiện)