Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ; Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hải, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9.

Dự hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý cùng những nhân chứng lịch sử từng sống, chiến đấu trên tuyến Lộ Vòng Cung trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhân chứng lịch sử từng sống, chiến đấu trên tuyến Lộ Vòng Cung trình bày tham luận tại hội thảo.

Tuyến Lộ Vòng Cung có tổng chiều dài gần 30km, bắt đầu từ quận Cái Răng (tiếp giáp với Quốc lộ 1, đoạn qua TP Cần Thơ), đi qua các huyện, quận Phong Điền, Bình Thủy và kết thúc tại Lộ Tẻ Ba Se (nối với Quốc lộ 91, thuộc quận Ô Môn).

Tuyến đường vành đai này được xem là “cánh cửa thép” bảo vệ TP Cần Thơ, nơi tập trung các cơ quan đầu não của địch ở Vùng 4 chiến thuật như: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Tổng lãnh sự quán và trụ sở phái đoàn MAAG Mỹ, Bộ chỉ huy các sư đoàn, không đoàn, liên đoàn biệt động, sân bay quân sự… Trên toàn tuyến đường, địch bố trí hơn 100 đồn bốt và sử dụng không quân, pháo binh ngày đêm đánh phá ác liệt.

Khu ủy Tây Nam Bộ (Quân khu 9) và Tỉnh ủy Cần Thơ lúc bấy giờ cũng chọn nơi đây để tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào nội thành cùng các mục tiêu quân sự trọng yếu của địch.

Theo Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, ta tập trung khoảng 16.000 người (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, cán bộ và dân công hỏa tuyến…) từ Lộ Vòng Cung đánh chiếm thành phố Cần Thơ.

Đồng đội năm xưa gặp nhau tại hội thảo.

Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ được chia làm 3 đợt. Đợt một từ ngày 30-1 đến ngày 25-2; đợt hai từ ngày 5-5 đến ngày 16-6; đợt ba từ ngày 13-8 đến ngày 30-9. “Đây là lần đầu tiên ta tập trung lực lượng lớn, tổng hợp đánh vào thành phố lớn nhất miền Tây Nam Bộ và bám trụ, giằng co với địch nhiều ngày ở nội đô và vùng ven thành phố”, Thiếu tướng Trần Văn Niên nói.

Các ý kiến tham luận của những người “trong cuộc” cho thấy, sau mỗi đợt tiến công, nhất là sau Tết Mậu Thân 1968, địch đã dốc hết sức lực nhằm quét sạch lực lượng cách mạng khỏi Lộ Vòng Cung. Ta với địch giành nhau từng tấc đất, mặt trận Lộ Vòng Cung trở thành cuộc chiến tiêu biểu nhất ở miền Tây Nam Bộ về quy mô và tính chất ác liệt, Mỹ đã phải sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm…

Tại hội thảo, có 10 tham luận được trình bày và 88 bản tham luận được gửi đến ban tổ chức. Thay mặt Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Lộ Vòng Cung Cần Thơ – vành đai lửa”, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ kết luận: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân và trong cả năm 1968 tại Cần Thơ, tuy không giành được thắng lợi trọn vẹn nhưng đã giáng một đòn tiến công sấm sét, bất ngờ, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có ý nghĩa to lớn, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Hào khí của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 mãi thúc giục Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Cần Thơ tiếp tục hành động, biến Lộ Vòng Cung – vành đai lửa năm xưa trở thành “vành đai xanh” cho hôm nay và mai sau.

Tin, ảnh: HỒNG ĐĂNG