Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam rất quan tâm tới việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bởi dự án luật này tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng, an ninh, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần giải quyết các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai.

Quang cảnh hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Quang Vinh 

“Chính vì vậy, thực hiện chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch giám sát phản biện xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành, tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW hoàn thành trong quý IV năm 2022”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thông tin.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phản biện đối với một số nội dung như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa những điểm mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương của Đảng về đất đai; sự tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan; việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất; tập trung những nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng giao đất, cho thuê đất...

HỒNG UYÊN