Đây là công trình hướng tới kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2022).
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự lễ thông xe. Cùng dự buổi lễ còn có đại diện, lãnh đạo sở, ngành thành phố.
 |
Đồng chí Đinh Tiến Dũng và các đại biểu cắt băng khánh thành hầm chui Lê Văn Lương.
|
Phát biểu tại lễ khánh thành, thông xe, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, nút giao giữa trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu với đường Khuất Duy Tiến là nút trọng điểm và phức tạp, có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn.
Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 là một trong những dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho giao thông Thủ đô. Xác định việc thi công đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hoàn thành đưa Dự án vào khai thác sử dụng nhằm tiết kiệm kinh phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lãnh đạo thành phố đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, các sở, ban, ngành chức năng, địa phương đã tham gia, phối hợp thực hiện nhiệt tình, trách nhiệm.
Sau gần 2 năm thi công, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thi công trong điều kiện vừa đảm bảo giao thông vừa tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công và các sở, ban, ngành của thành phố, chính quyền và nhân dân quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… quá trình thi công công trình đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, đến nay đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình của dự án đầu tư, đảm bảo chất lượng, mỹ quan và đủ điều kiện để đưa vào khai thác sử dụng.
 |
Công trình hầm chui khi đưa vào khai thác được kỳ vọng sẽ giải tỏa ùn tắc giao thông ở nút giao thông Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3. |
Báo cáo tại lễ khánh thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương – Vành đai 3 được khởi công vào tháng 10-2020 với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Ngay sau khi khởi công, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công và phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để bàn giao mặt bằng hiện trạng, phân luồng tổ chức giao thông để triển khai các hạng mục công trình theo thiết kế.
Hầm chui có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trục thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Với hầm chui mới, nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) - Tố Hữu sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay, góp phần giải quyết xung đột giao thông.
 |
Hầm chui Lê Văn Lương nhìn từ trên cao. |
Sau khi thông xe, Sở GTVT Hà Nội thông tin, các phương tiện như xe thô sơ và người đi bộ; các phương tiện có chiều cao quá 4,75m không được đi qua hầm chui Lê Văn Lương. Người đi bộ và xe thô sơ lưu thông qua khu vực nút giao trên hầm chui Lê Văn Lương theo hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông theo quy định.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT Hà Nội, các phương tiện lưu thông trên đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) không được phép rẽ trái đi Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu.
Các phương tiện lưu thông trên đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại 2 điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu.
Sở GTVT hướng dẫn phương tiện từ Lê Văn Lương, Tố Hữu đi đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) lưu thông qua khu vực nút giao theo hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông theo quy định.
Với xe buýt nhanh BRT, Sở GTVT sẽ tổ chức làn đường dành riêng trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu theo hiện trạng trước khi thi công hầm chui.
|
Tin, ảnh: TUẤN SƠN