Theo đó, trong năm 2022 sản lượng điện thương phẩm của ngành điện Hà Nội đạt 22.201,3 triệu kWh, tăng 7,38% so với năm 2021, tổn thất điện năng giảm 0,05% so với kế hoạch được giao. Trong năm 2022, mặc dù ngành điện đã cải tạo xây dựng mạng lưới điện 110kV, 220kV, 500kV, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Hiện tỷ lệ khởi công mới chỉ đạt 46,67%, tỷ lệ hoàn thành đạt 60,7%.

Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) Nguyễn Quang Trung cho biết, với trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân, trạm biến áp 110kV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ đường dây 110kV, trạm biến áp 220/110kV Đại Mỗ và nhánh rẽ 220kV, trạm biến áp 220/110kV Phú Lương, trạm biến áp 110kV Chương Mỹ và đường dây 110kV Thanh Oai-Chương Mỹ… EVN Hà Nội vẫn chưa nhận được mặt bằng, nên dự án đã trễ tiến độ khởi công xây dựng theo kế hoạch phát triển điện lực năm 2023 của TP Hà Nội.

leftcenterrightdel
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AN KHÁNH 

“Sau khi Luật Đầu tư số 61/2021/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, hầu hết các công trình điện 500kV, 220kV và 110kV bao gồm cả xây dựng mới và cải tạo mở rộng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật làm phát sinh thêm thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư”, ông Nguyễn Quang Trung lý giải.

Tại hội nghị, lãnh đạo EVN Hà Nội kiến nghị, để đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng các trạm biến áp, đường dây truyền tải điện, đề nghị UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao cho EVN Hà Nội triển khai dự án phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Đức nêu rõ, Thủ đô đang quy hoạch lại vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vì vậy EVN Hà Nội và EVN nên quy hoạch lại mạng lưới điện như trạm biến áp, đường dây tải điện sao cho phù hợp quy hoạch vùng Thủ đô. Riêng với trạm biến áp 500KV, EVN không nên quá chú trọng xây dựng trên địa bàn Hà Nội mà nên xây dựng tại một số tỉnh lân cận Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh….

Về vấn đề này, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ, để đảm bảo cung ứng điện cho TP Hà Nội trong thời gian tới và mùa hè năm 2023, đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, EVN Hà Nội huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện trọng điểm. Đồng thời triển khai đầu tư xây dựng theo kế hoạch của EVN, trong đó ưu tiên cho những công trình đã có thời gian chậm trễ kéo dài hoặc tại những vị trí cấp điện cho khu vực tăng trưởng phụ tải nhanh trong thời gian gần đây.

“Riêng với quy hoạch ngành điện từ nay đến năm 2030 đòi hỏi EVN và EVN Hà Nội cần căn cứ vào quy hoạch vùng Thủ đô để xây dựng kế hoạch phát triển ngành điện”, bà Trần Thị Phương nêu ý kiến.

leftcenterrightdel

TP Hà Nội đang là một trong những địa phương có tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ điện năng đứng đầu cả nước. 

Trước những ý kiến của các đại biểu, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng cho EVN Hà Nội triển khai xây dựng trạm biến áp, đường dây truyền tải điện. Đối với quy hoạch các trạm biến áp, EVN nên xây dựng kế hoạch đặt một số trạm tại những địa phương xung quanh Hà Nội.

“EVN trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống điện cần quan tâm đến quy hoạch vùng Thủ đô từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp thực tế. Trong đó, cần xác định rõ khu vực nào cần xây dựng trạm biến áp, để các ngành chức năng TP Hà Nội đưa vào quy hoạch phát triển vùng Thủ đô trong tương lai”, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

NGỌC HUY