Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa và gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các cơ quan nghiên cứu về luật và lịch sử hàng đầu Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn...
Quang cảnh buổi hội thảo.
Hội thảo nhằm làm sáng tỏ những thành tựu trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy Nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông, trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm để vận dụng trong thực tiễn xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đây cũng là dịp để giới tư pháp, pháp luật nước nhà tri ân công ơn của vua Lê Thánh Tông và các bậc tiền nhân trong lịch sử đã có những đóng góp đặc biệt to lớn cho sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam đồng thời củng cố tinh thần tự tôn dân tộc trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật.
Hội thảo đã làm rõ thân thế, sự nghiệp Vua Lê Thánh Tông, một minh quân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Vua Lê Thánh Tông và triều đại của ngài đã để lại những di sản đặc biệt quý báu về xây dựng pháp luật và quản trị quốc gia. Về pháp luật, triều vua Lê Thánh Tông đã để lại Bộ Quốc triều hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức - một bộ luật nổi tiếng về tính nhân văn, nội dung đậm chất dân tộc, một mẫu mực về trình độ và kỹ thuật lập pháp. Về quản trị quốc gia, Lê Thánh Tông đã thiết lập được bộ máy quản lý Nhà nước khá hoàn bị, bảo đảm quyền lực được thực thi thống nhất, thông suốt từ trung ương tới cơ sở, đồng thời chấn chỉnh chế độ quan lại theo nguyên tắc đề cao phẩm hạnh và thực tài. Triều vua Lê Thánh Tông cũng đặc biệt nổi tiếng về chính sách phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng hiền tài. Các tham luận và ý kiến tham gia tại hội thảo cũng góp phần làm nổi bật nhiều tư tưởng đặc sắc của đức vua Lê Thánh Tông, trong đó, phải kể tới tư tưởng trọng pháp, trọng kỷ luật, kỷ cương và trọng hiền tài trên nền tảng lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và tinh thần tự tôn dân tộc rất cao.
Những giá trị và kinh nghiệm trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông gợi mở nhiều bài học trong quá trình hiện thực hóa chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thực hiện định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân và doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.
Tin, ảnh: DUY HỒNG-LÊ HIỀN