Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đến dự và phát biểu chúc mừng. Dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư… cùng nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước.
 |
Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh An Giang.
|
Trải qua 190 năm xây dựng và phát triển, An Giang đã xây đắp, gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa, hun đúc nên truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh. Đặc biệt, sau hơn 35 năm đổi mới, An Giang đã khẳng định được vị thế, gặt hái nhiều thành tựu đáng tự hào; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; bộ mặt nông thôn không ngừng cải thiện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; mạng lưới trường, lớp, cơ sở y tế phủ rộng… Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 5,25%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46,8 triệu đồng/người/năm, tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm đạt trên 31 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 4,18 tỷ USD. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước, đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.
 |
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 22 tháng 11 hằng năm là “Ngày truyền thống tỉnh An Giang”. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao nhân dân An Giang không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược mà còn rất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn thể hiện ý khí và khát vọng mạnh mẽ vươn lên trước mọi khó khăn, thử thách. Đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: An Giang nổi lên như là một điển hình của việc vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang cũng đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Từ một tỉnh thiếu lương thực, An Giang đã có nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo, rau màu và thủy sản, từng bước vươn lên dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đây cũng là một trong những dấu ấn nổi bật, thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang. Để tiếp tục phát triển và có đóng góp to lớn hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, An Giang cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên trong phát triển kinh tế. Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng lưu ý An Giang cần khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch phát triển tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới. Từng bước hiện thực hoá mục tiêu An Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Mê Kông.
Tại Lễ kỷ niệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 22 tháng 11 hằng năm là “Ngày truyền thống tỉnh An Giang”.
Tin, ảnh: THÚY AN