Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thời gian qua, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng với mức tăng trung bình hàng năm cao hơn so với giai đoạn 2006-2010 (9,48% so với 8,95%), tăng hơn 1,57 lần.  

Riêng trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ 2015, phục vụ 38,2 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ.

Năm 2015, ngành du lịch tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan đến du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. 
Ngoài các kết quả trên, số lượng các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và cơ sở lưu trú phát triển mạnh mẽ. Hiện cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 1,7 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trung bình đạt 11%/năm. Tổng cơ sở lưu trú hơn 20.100 cơ sở với 400.000 buồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trung bình đạt 9%/năm cả về cơ sở lưu trú và số buồng.

Ngành du lịch thời gian qua đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích vật thể và phi vật thể ở các địa phương. Thông qua phát triển du lịch, hình ảnh quốc gia và các điểm đến được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo sự nhìn nhận tích cực về hình ảnh và nâng cao uy tín của đất nước, con người Việt nam trên trường quốc tế. Du lịch cũng góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành du lịch trong thời gian qua; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch. Nhưng thời gian qua chúng ta còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của du lịch; xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương các cấp, với sự tham gia của toàn xã hội. Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch, xây dựng cộng đồng làm du dịch. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Qúa trình phát triển đồng thời phải phát triển cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, coi trọng du lịch nội địa để phục vụ nhân dân trong nước. Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn cho du khách; thực hiện đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh theo hướng cải tiến quy trình thủ tục, cung cấp thông tin, trả lời các yêu cầu, đón tiếp chu đáo nhằm rút ngắn thời gian xin thị thực của du khách; tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài; quản lý chặt chẽ điểm đến, chất lượng dịch vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch…

Tin, ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG