Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở Việt Nam mỗi năm thải ra môi trường khoảng 25 triệu tấn rác sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa xấp xỉ 2 triệu tấn. Tuy nhiên, việc thu hồi rác thải nhựa lại rất thấp, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường đạt mức báo động.
Theo các chuyên gia, thực ra, để giảm thiểu rác thải nhựa không phải là việc khó vì bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể làm được. Mỗi người chỉ cần có ý thức hạn chế tối đa việc sử dụng rác thải nhựa, tránh xả thải ra môi trường, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải… là đã giảm được gánh nặng lớn cho môi trường. Điều quan trọng là ý thức của toàn xã hội đối với vấn đề này. Vì lý do đó, nhiều tỉnh, thành phố, nhiều bộ, ngành trong cả nước đã thực hiện phát động phong trào, các sáng kiến, cách làm hay trong giảm thiểu rác thải nhựa… Với mong muốn góp phần vào bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Du lịch TransViet, một công ty có khá nhiều hoạt động thiết thực trong bảo vệ môi trường, thực hiện làm du lịch trách nhiệm và bền vững, cho rằng: “Du lịch đang hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các tổ chức, cá nhân trong ngành cần đi tiên phong trong các vấn đề môi trường, xã hội bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường là hành động các doanh nghiệp du lịch hoàn toàn có thể làm tốt, bằng chính những chính sách của công ty, tuyên truyền cho du khách”.
Thực tế cũng đã chứng minh tác động to lớn khi doanh nghiệp du lịch tham gia hành động trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa. Theo tiết lộ của ông Tuấn Phạm, Tổng giám đốc PEAK DMC Việt Nam, chuỗi khách sạn của PEAK DMC Việt Nam đã tiết kiệm được khoảng 600.000 chai nhựa mỗi năm bằng cách làm rất đơn giản là tiếp lại nước cho du khách trong các chai nhựa rỗng; 3 triệu chiếc túi ni lông thải ra môi trường qua chương trình vận động du khách “nói không với túi nhựa”… Với khẩu hiệu “Chúng tôi không hứa, chúng tôi làm”, trong tháng 8 này, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh sẽ tiên phong thay thế các vật dụng có chất liệu nhựa, ni lông bằng chất liệu thân thiện với môi trường và sức khỏe như vải, giấy tại hệ thống gần 60 khách sạn. Theo tính toán, mặc dù những vật dụng được thay thế của Mường Thanh chỉ là những đồ vật nhỏ như ống hút, hộp và túi đựng đồ mang đi, cốc nhựa, túi đựng dao cạo, túi đựng tăm bông, túi đựng xà bông, vỏ đựng túi vệ sinh, túi đựng bàn chải, túi đựng kim chỉ, túi đựng lược, túi đựng chụp tóc, túi giặt là…, nhưng đây lại là những vật dụng chiếm số lượng tiêu thụ rất lớn trong ngành dịch vụ lưu trú nói chung và các khách sạn nói riêng. Tính sơ bộ, 60 khách sạn sẽ thay thế ước tính khoảng: 1.162.000 ống hút giấy, 271.000 cốc giấy, 308.000 hộp giấy, 184.000 túi giấy, 2.350.000 túi vải.
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn. Hy vọng rằng, sau những doanh nghiệp tiên phong sẽ có nhiều doanh nghiệp du lịch chung tay vào việc bảo vệ môi trường thiên nhiên khỏi vấn nạn rác thải nhựa.
HUY AN