Thêm yêu cầu khi hành nghề

Theo quy định cũ, chỉ cần có thẻ HDVDL do Tổng cục Du lịch cấp và hợp đồng hướng dẫn với công ty lữ hành là HDVDL có thể hành nghề. Luật Du lịch năm 2017 bổ sung quy định yêu cầu HDVDL phải có thêm hợp đồng lao động với doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Theo đó, HDVDL không bảo đảm điều kiện hành nghề sẽ bị thu hồi thẻ hướng dẫn viên (HDV).

Hiện cả nước có khoảng 20 nghìn HDVDL nhưng mới chỉ có khoảng 5% HDV nằm trong các công ty du lịch, 95% HDV hoạt động tự do. Quy định mới được cho là sẽ góp phần quản lý các HDVDL chặt chẽ hơn, giảm tình trạng HDV chui, lợi dụng nghề nghiệp để xuyên tạc lịch sử, văn hóa…

leftcenterrightdel
 Hướng dẫn viên là "linh hồn" của mỗi tour du lịch.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều HDV, quy định này gây khó cho công việc của họ bởi tính chất công việc là theo mùa vụ; nhiều HDV ngại ràng buộc vì lo ngại cạnh tranh. Đối với sinh viên ngành du lịch thì lo lắng quy định mới sẽ hạn chế điều kiện cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, cơ hội việc làm và khó ký được hợp đồng lao động. Không chỉ các HDV, nhiều DN du lịch vừa và nhỏ cũng lo lắng khi tính chất mùa vụ và quy mô công ty không cho phép họ ký hợp đồng với nhiều HDV sẽ làm giảm tính cạnh tranh...

Hướng dẫn viên có quyền lựa chọn

Quản lý đội ngũ HDVDL theo luật để chuyến đi, quyền lợi của du khách được bảo đảm như quy định mới là vô cùng cần thiết nếu du lịch Việt Nam muốn chuyên nghiệp, cạnh tranh. Nhưng để chuyến đi thành công, thiết nghĩ việc tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ HDVDL để họ yên tâm làm nghề chính đáng, cống hiến cho du lịch Việt Nam là cần thiết. HDV cần được hướng dẫn, giải thích kỹ hơn, cụ thể hơn, để quy định mới không gây sự hoang mang, lúng túng cho những người hành nghề chân chính.

Về vấn đề này, bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch gợi mở cho HDV: "Không nhất thiết phải có hợp đồng lao động với DN du lịch mà có thể là với DN cung ứng dịch vụ hướng dẫn du lịch. DN loại này đã có và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới". Ngoài ra, HDV có thể tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Bên cạnh đó, để đón đầu luật, Hội HDVDL Việt Nam cũng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập từ đầu tháng 11-2017. Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, HDV muốn gia nhập hội chỉ cần đăng ký gia nhập tự động trên website www.hoihuongdanvien.vn và nộp lệ phí hội viên là 500.000 đồng và hội phí hằng năm là 500.000 đồng. Để sử dụng hiệu quả tới từng đồng tiền do hội viên đóng góp, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội HDVDL Việt Nam, cho biết: Hội đề ra ba tiêu chí minh bạch, hiệu quả và bền vững trong hoạt động, nhằm mục tiêu phát triển đội ngũ HDVDL Việt Nam đông về số lượng, tốt về chất lượng, tiếp cận tốt về công nghệ thông tin, sáng tạo trong cách làm việc… Ngoài ra, hội còn bảo đảm để hội viên được hưởng một số quyền lợi, như: Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật thông tin; khai thác thông tin trên hệ thống phần mềm trong khi hành nghề; tham gia sàn giao dịch giới thiệu việc làm trên hệ thống phần mềm của hội; hưởng các gói cước về ưu đãi thoại, ưu đãi data 4G của Viettel…. Như vậy, HDV có thể lựa chọn cho mình phương án phù hợp để tiếp tục hành nghề.

Khi luật đi vào hiệu lực, nhiều DN cũng đã nhận thức được rằng, các quy định trong đó để bảo vệ quyền lợi của du khách cũng chính là bảo đảm cho hoạt động của DN. Được biết, Chi hội HDVDL Hà Nội vừa thành lập cách đây vài ngày cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác với nhiều DN lữ hành về ưu tiên sử dụng HDV là thành viên của chi hội. Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Travelogy Việt Nam cho biết, các HDV cũng phải hiểu rằng, bây giờ có quy định mới, các công ty cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng cũng như công ty. 

Bài và ảnh: HUY AN