Lữ hành-“sợi dây” liên kết với du khách

Lữ hành bao gồm quá trình quản lý và điều hành du lịch, giúp du khách thực hiện những chuyến đi. Một trong những vai trò quan trọng của doanh nghiệp lữ hành là góp phần đáng kể trong kiến tạo và làm độc đáo sản phẩm du lịch, tạo sự phát triển du lịch cho các điểm đến. 

Nhìn từ thực tế Cát Bà, lâu nay dù sở hữu vịnh Lan Hạ, được đánh giá là “người em song sinh” với kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) nhưng du lịch Cát Bà ít được chú ý. Thậm chí trước đây, nhiều du khách đến Cát Bà dẫu bị chinh phục bởi cảnh quan nơi đây cũng không chịu nổi những chuyến đi vất vả, mất nhiều thời gian, không có nơi nghỉ dưỡng tốt hay tình trạng giá dịch vụ đắt đỏ vào mùa du lịch cao điểm. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Cát Bà đã có sự thay đổi ngoạn mục: Cây cầu Tân Vũ-Lạch Huyện, cáp treo Cát Bà giúp việc đi lại thuận tiện; quần thể phức hợp nghỉ dưỡng Flamingo Beach Resort cùng hàng loạt du thuyền được đầu tư mạnh tay như Indochine Cruise, Heritage Cruise trên vịnh Lan Hạ... tạo ra thay đổi về chất về cơ sở lưu trú của Cát Bà. Thay đổi tích cực là vậy nhưng cũng giống nhiều địa phương khác, Cát Bà như một người có của mà chưa biết cách làm cho nó sinh sôi nảy nở các giá trị tiềm năng. Địa phương này đang mời gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành, bởi họ chính là người làm cho những lợi thế của Cát Bà ngày càng gần hơn với du khách. Việc tổ chức thành công diễn đàn lữ hành Việt Nam là minh chứng cho quyết tâm đưa Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế.

Chuyển đổi số là xu hướng mới tại Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội-VITM 2020. 

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát. Cùng chung khó khăn với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, hoạt động lữ hành gặp nhiều biến cố lớn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 làm cho hơn 90% doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động; có tới 338 công ty lữ hành phải xin thu hồi giấy phép. Các công ty lữ hành quốc tế chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Vừa qua, trong lĩnh vực du lịch, lữ hành gặp khó khăn nhất. Rất đáng buồn khi có ngày Tổng cục Du lịch phải ký tới 15 quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành. Đành rằng việc doanh nghiệp hoạt động hay ngừng hoạt động là bình thường trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, nhưng quả thật, doanh nghiệp lữ hành quá vất vả sau "cơn bão" Covid-19. Trong khi đó, nếu không có doanh nghiệp lữ hành thì không thể có một ngành du lịch toàn diện, vì đây chính là "sợi dây" kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ du lịch và du khách”.

Tăng cường kết nối sản phẩm du lịch

Một trong những hoạt động du lịch thời gian qua mang nhiều dấu ấn của lữ hành là các liên minh kích cầu du lịch. Liên minh kích cầu du lịch ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò khi đã tạo được tiếng vang trên thị trường. Thấy rõ nhất là những cảnh khách hàng xếp hàng dài để săn tour khuyến mại. Nhiều sản phẩm ít được biết đến nhờ kích cầu đã trở thành một xu thế, điểm đến hấp dẫn là minh chứng cho những thành công mà liên minh đã làm được. Gần đây nhất là sự tham gia của các liên minh kích cầu đã góp phần đáng kể cho các chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ trên thì hoạt động kích cầu cũng bộc lộ ra những nhược điểm như thời gian kích cầu ngắn dẫn đến hạn chế về truyền thông và bán sản phẩm; số lượng dịch vụ theo giá kích cầu ít hoặc đi kèm những điều kiện khó thực hiện... Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Tổng giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, ngoài những yếu tố trên, còn có sự lệch pha trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu giữa các bên. Nhiều địa phương tiến hành các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại những thị trường trong những thời điểm không tương thích, thậm chí trái ngược lại với dòng sản phẩm và thị trường mà liên minh đang hướng tới. Đáng bàn là khi chương trình kích cầu bắt đầu tạo được hiệu ứng thì xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ như: Tăng giá; bổ sung những chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn cho khách hàng trực tiếp, các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp khác; hình thành thêm liên minh cạnh tranh với nhau, thậm chí cạnh tranh giữa chính các đơn vị trong liên minh... Điều này đã phá vỡ trật tự kinh doanh, gây hỗn loạn thị trường, quyền lợi của các thành viên không được bảo đảm. Những điểm yếu này đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan mà chưa thể giải quyết được".

Đồng tình với quan điểm cho rằng cần có sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động lữ hành, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết thêm: “Chúng ta cần khắc phục tình trạng các doanh nghiệp lữ hành nhái lại sản phẩm của nhau. Việc doanh nghiệp lữ hành không tự xây dựng sản phẩm dẫn đến những sản phẩm na ná nhau. Mà muốn tạo ra sản phẩm khác biệt thì cần nhận thức sản phẩm khác biệt là như thế nào. Bên cạnh đó là cần kỹ thuật làm ra sự khác biệt. Để làm ra sản phẩm khác biệt, nguồn nhân lực du lịch rất quan trọng. Cơ sở đào tạo ra nguồn nhân lực du lịch do đó cũng rất quan trọng. Hiện tại có nhiều hướng để nâng cao năng lực của nhân lực trong ngành du lịch như xây dựng, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm... Nhưng vấn đề rất lớn là chuyển đổi số cho ngành du lịch, cho các doanh nghiệp du lịch trong thực tế rất ít cơ sở đào tạo có bộ môn, bài học hướng dẫn chuyển đổi số.  

Doanh nghiệp lữ hành cần thay đổi để thích ứng với tình hình mới và phải nhìn từ phía khách hàng thì mới xác định được tương lai của lữ hành. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc chính mình. Có nhiều cách nhưng các doanh nghiệp phải cố gắng trong quản trị doanh nghiệp, hiểu thị trường, hiểu khách hàng và có cách thay đổi cho phù hợp. Các công ty lữ hành phải liên kết, kết nối sản phẩm, tạo ra sản phẩm, thay vào đó một tư duy mới, không phải là đếm lượt khách mà phải tính đến hiệu quả, chất lượng khách, tổng thu từ khách du lịch. Bên cạnh đó, một việc hết sức quan trọng là củng cố lực lượng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính mình, khi điều kiện cho phép là “bung” ra ngay, tự tin đón bắt cơ hội phát triển mới.

Bài và ảnh: LAN DỊU