Tối qua (8-1), tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ sự tin tưởng rằng, thành phố Phú Quốc sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa, tận dụng tối đa cơ hội mà Cuộc cách mạng lần thứ 4 mang lại, phát triển thành phố thông minh, xanh, sạch, đẹp, là nơi mọi người đều mong muốn được đến và tận hưởng, từng bước trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và Khu vực Đông Nam Á; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đủ sức cạnh tranh với các điểm du lịch lớn nổi tiếng của các nước trong khu vực và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã có mặt tại Phú Quốc, đầu tư xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn, trang bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ngày nay, Phú Quốc đã phát triển với dáng dấp và hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến. 

Ấn tượng nhất trong công cuộc phát triển của Phú Quốc là lĩnh vực du lịch. Từ một viên ngọc thô vùi trong cát, với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ nhưng ít người biết đến, dịch vụ du lịch nghèo nàn, người dân chỉ gắn với nghề đi biển, sau một thập kỷ, Phú Quốc đã vươn dậy trở thành viên ngọc sáng của du lịch thế giới. Năm 2016, khách du lịch đến Phú Quốc đạt 1,45 triệu lượt, tăng 9,6 lần so với năm 2005. Đến năm 2019, Phú Quốc đón 5,1 triệu khách, tăng 3,5 lần so với năm 2016, và tăng gấp 33,6 lần so với năm 2005.

Thu hút đầu tư sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Phú Quốc trong giai đoạn tới, song song với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đã và đang làm ăn kinh doanh, đầu tư trên đảo. Phú Quốc cần thiết xác định một số nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn kinh tế lớn trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Với kinh nghiệm, thực lực sẵn có, tiềm lực dồi dào, các nhà đầu tư chiến lược tâm huyết giống như “cánh tay phải” hỗ trợ đắc lực cho Phú Quốc trong việc kiến tạo diện mạo thành phố đảo du lịch hiện đại, thông minh, không chỉ trở thành thành phố đáng sống, mà còn trở thành thiên đường du lịch, giải trí, trung tâm tài chính, khoa học công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới.

Đáng chú ý, giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Phú Quốc luôn đạt trên 38%, cao gấp 6 lần mức bình quân chung của cả nước. Phú Quốc trở thành nơi thu hút đầu tư lớn nhất tỉnh Kiên Giang với trên 320 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 340.000 tỷ đồng. Nhờ hàng loạt chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư, đảo Ngọc đã hút được nhiều “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực du lịch, bất động sản đến “làm tổ”, điển hình như Sun Group, Vingroup, BIM group…

Cái tên Phú Quốc giờ đây được thế giới nhắc đến với những công trình nổi danh toàn cầu như Cáp treo Hòn Thơm - Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới; những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, đạt nhiều giải thưởng quốc tế như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - Đứng thứ 6 trong Top 100 khu nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới do Travel & Leisure bình chọn; Premier Village Phu Quoc Resort - Khu nghỉ dưỡng biệt thự hàng đầu châu Á 2019, 2020 (World Travel Awards); Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay - Khách sạn căn hộ hàng đầu châu Á 2020 (World Travel Awards); InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort… Phú Quốc cũng sở hữu nhiều khu vui chơi, giải trí cao cấp như tổ hợp Sun World Hon Thom Nature Park, Aquatopia - Công viên nước hàng đầu châu Á 2020 (World Travel Awards); Vinpearl Safari Phú Quốc, VinWonders Phú Quốc….

Du lịch bứt tốc không chỉ khiến đảo Ngọc “lột xác”, tiếng tăm vươn xa trên thế giới, mà còn đem về doanh thu lớn cho ngân sách địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Theo thống kê, giai đoạn 2010-2019, lượt du khách và doanh thu từ du lịch của Phú Quốc tăng trung bình 20-30%. Ngành du lịch - dịch vụ đóng góp 70% trong cơ cấu GDP của Phú Quốc, mang lại công ăn việc làm cho khoảng 70% dân số trên đảo.

Với tốc độ phát triển nhanh, mạnh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch trong giai đoạn vừa qua, việc Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam đã ghi một dấu ấn mới mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển của đảo Ngọc. “Chiếc áo cơ chế mới” thành phố biển đảo cũng sẽ là bệ phóng để đảo Ngọc tăng tốc, bứt phá, sớm trở thành “Singapore mới của Châu Á” như kỳ vọng...

Màn bắn pháo hoa chào mừng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. 

 


Phú Quốc được mệnh danh là đảo ngọc vì cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp như một viên ngọc giữa biển xanh. Ảnh: qdnd.vn.


 


 Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã có mặt tại Phú Quốc, đầu tư xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn, trang bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tầm cỡ khu vực và quốc tế.


 


 


 

 

 Điều này đã giúp "một viên ngọc thô vùi trong cát" vươn dậy trở thành viên ngọc sáng của du lịch thế giới sau một thập kỷ...


 


“Chiếc áo cơ chế mới” thành phố biển đảo cũng sẽ là bệ phóng để đảo Ngọc tăng tốc, bứt phá, sớm trở thành “Singapore mới của Châu Á” như kỳ vọng... 

BÌNH NGUYÊN