Cần hỗ trợ sinh kế lâu dài

Hình ảnh người dân xã Hồng Thủy, An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đứng dưới trời mưa to, gió lớn chờ những suất cơm cứu trợ đã khiến trái tim nhân dân trên cả nước quặn thắt. Ngay lập tức hàng trăm chuyến xe cứu trợ với bánh chưng, bánh mỳ, cơm hộp, nước sạch... hối hả về vùng lũ.

Có thể nói, tình cảm của nhân dân cả nước khiến đồng bào miền Trung vô cùng cảm kích và thực sự góp phần giúp họ vượt qua cơn đại hồng thủy. Đến thời điểm này, những chuyến hàng cứu trợ vẫn hối hả về Quảng Bình khiến những con đường trong các xã của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) bụi bay mù mịt. Dưới cái nắng Quảng Bình, không ít hàng cứu trợ là thực phẩm do phương tiện vận chuyển phải nằm chờ vì tắc đường nên rất dễ bị ôi thiu. Còn người dân, cái đói trước mắt đã tạm qua, giờ là lúc họ lo lắng cho việc ổn định cuộc sống và phương kế sinh nhai lâu dài.

leftcenterrightdel
Thóc đã nảy mầm, hỏng hết, người nông dân rất cần gạo để cứu đói.

Với người nông dân lam lũ Quảng Bình, tài sản quý giá nhất của những năm tháng lao động cực nhọc có lẽ là những hạt thóc, hạt gạo, những đàn trâu, đàn gà... Vậy mà, chỉ sau một đêm nước lũ tràn về, đã nhấn chìm mọi giấc mơ. Khắp đường thôn, ngõ xóm các xã của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân phơi những hạt thóc giống đã ngả màu đen, nhà cửa thì trống trơn vì tài sản trôi theo nước lũ hoặc hư hỏng nặng.

Ông Lê Quyết Chiến, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: Toàn xã có 8 thôn, với 9.800 hộ dân thì 100% ngập sâu trong biển nước. Ngoài thôn Tân Hiền người dân làm nghề tiểu thương thì 7 thôn còn lại đều sản xuất nông nghiệp.

“Điều mà người dân cần nhất lúc này là ổn định cuộc sống, tái sản xuất. Tuy nhiên, giống cây trồng và vật nuôi đều đã mất sạch. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang rất cần các vật dụng như nước sạch, dầu, đèn, chăn màn, xoong nồi và các đồ dùng sinh hoạt khác. Đặc biệt, lương thực đang thiếu trầm trọng bởi sau vụ gặt, lũ về khiến 100% lúa đều bị chìm ướt và trôi mất”, ông Chiến cho biết.

Về lâu dài, bà con rất cần các nguồn vốn huy động, hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, các trang thiết bị y tế của xã đều hư hỏng và vấn đề đáng lo ngại là môi trường ô nhiễm, dịch bệnh rất dễ xảy ra sau lũ, nên rất cần được quan tâm trang bị, đảm bảo khám chữa bệnh cho bà con nhân dân, ông Lê Quyết Chiến chia sẻ.

Với sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, từng lớp bùn dày đặc trong các lớp học của Trường Mầm non Hiền Ninh, xã Hiền Ninh dần được rửa trôi, để kịp đón hơn 370 cháu trở lại lớp vào thứ hai tới.

Cô Võ Thị Thuyến, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Hiền Ninh chia sẻ: Trường đã bị thiệt hại nặng nề sau cơn lũ. 7 phòng học ở hai điểm trường, 2 bếp bán trú và 4 phòng hiệu bộ, cùng toàn bộ tài sản đều bị hư hỏng nặng.

“Với tổn thất này nhà trường không thể tự mình vực dậy được mà cần có sự hỗ trợ, chung tay của các cấp lãnh đạo, các nhà hảo tâm để nhà trường sớm mua sắm lại các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, thiết bị văn phòng, giúp các cháu sớm trở lại trường”, cô Thuyến cho biết.

leftcenterrightdel
Từng bao thóc ngấm đầy nước được vận chuyển đi phơi. Số lương thực này giờ chỉ có thể chế biến thành thức ăn cho vật nuôi.

Ra đường thì gặp cảnh phơi lúa giống đã nảy mầm hỏng cả, quay vào nhà thì bắt gặp cảnh bùn đất lầy lội, tường ngấm nước chỉ trực đổ xuống, khiến đôi mắt bao đêm không ngủ của người dân huyện Quảng Ninh nay càng thẫn thờ. Họ vẫn chưa thể tin được cơn lũ lịch sử chỉ trong chớp mắt biến họ thành trắng tay, nợ nần chồng chất, tương lai là cả một gánh nặng.

Ngồi tãi từng hạt thóc đã ngấm nước trong vô vọng, chị Phạm Thị Chiến, thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh không biết sẽ sống ra sao những ngày sắp tới. Cơn bão vừa qua khiến trâu bò, lợn gà nhà chị bị trôi đi hết. Ngay cả mấy tạ lúa mới thu hoạch giờ cũng ngập hết, đang mọc mầm, gạo không có mà ăn.

“Hiện tại chúng tôi rất cần vốn, giống cây trồng, vật nuôi để có cái mà làm ăn, sớm khôi phục cuộc sống”, chị Chiến bày tỏ.

Ở ngôi nhà mái bằng do dự án chống biến đổi khí hậu tài trợ chưa được một năm, bà Trương Thị Chiến, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh những tưởng sẽ sớm trả được khoản nợ 15 triệu đồng khi có gần 100 con gà và 2 con trâu. Vậy mà giờ nhà tan hoang chẳng còn gì.

Đợt lũ vừa qua, gia đình bà Chiến cũng như nhiều gia đình khác, bị trôi hết thiết bị đồ dùng, giờ chén bát cũng phải đi mượn. Vừa phơi những hạt lúa đã ngấm nước, bà Chiến vừa lo sợ cơn bão sắp tới mà vào thì gia đình bà không biết phải làm sao.

“Với gia đình tôi trước mắt cần có lương thực, các thiết bị gia đình như nồi niêu, xoong chảo, máy lọc nước vì vùng này đất phèn chua. Nhưng điều cần nhất là vốn. Có tiền để mua cây giống, con giống để chăn nuôi”, bà Chiến mong muốn.

Sau cơn bão, người nông dân mất một thì có lẽ những tiểu thương mất mười. Nhìn hàng trăm bao thóc, vừa được đầu tư mua về để xay xát giờ ngấm nước và bùn, chỉ có thể làm thức ăn cho gia súc, chị Nguyễn Thị Phượng, thôn Đông Cổ Hiền, xã Hiền Ninh không giấu nổi nỗi buồn, òa khóc.

Chị Phượng nghẹn ngào nói: “Tôi vừa vay ngân hàng gần 300 triệu đồng cùng mấy người bà con đầu tư mua thóc về, chưa kịp làm gì thì lũ tới. Giờ thì mất sạch cả rồi!”.

Chị cũng chia sẻ: "Mì tôm cũng quý nhưng chúng tôi có đủ rồi. Nhưng sắp tới nếu không có vốn để tái đầu tư, khôi phục sản xuất, thì cũng không biết lấy gì để sống, để trả nợ".

leftcenterrightdel
Chị Trâm với đống tài sản trị giá gần 200 triệu đồng ngập dính đầy bùn đất.

Nhìn đống tài sản trị giá hơn 200 triệu đồng ngấm đầy bùn đất, chị Trần Thị Ngọc Trâm, thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh như câm lặng. Mới khởi nghiệp được 3 năm nay, vốn vay ngân hàng còn chưa trả đủ, giờ đây chị biết làm gì với đống máy móc, thiết bị điện và những đồ gia dụng khác đã hư hỏng vì ngâm nước.

Thiên tai đổ đến, chị Ngọc không dám trách ai, chỉ tha thiết mong nhận được sự trợ giúp của chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vốn, đồng thời ngân hàng giảm bớt lãi suất vay để người dân chịu thiệt hại nặng nề sau lũ có thể gượng dậy, tiếp tục làm ăn, sinh kế lâu dài.

Chia sẻ về những điều mà người dân vùng lũ rất cần lúc này, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trước mắt, bà con nhân dân huyện Lệ Thủy đang rất cần nguồn hỗ trợ về các nhu yếu phẩm để bà con không bị đói trong thời gian này. Còn về lâu dài chúng tôi cần các nguồn giống như cây, con để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế lâu dài. Hệ thống thuốc men, nước sạch đảm bảo cuộc sống người dân.

Có thể thấy, lũ rút, bày ra muôn vàn thứ cần thiết của người dân vùng lũ trước mắt và cả lâu dài. Họ cần những phương tiện để tự tái thiết cuộc sống. Bên cạnh những vật dụng thiết yếu mỗi ngày, nếu được hãy hỗ trợ họ tiền mặt để họ tự mua, vì không thể biết ai đang thiếu món gì và hàng hóa cũng không thiếu do thị trường điều tiết rất nhanh đến nơi có nhu cầu.

Hỗ trợ đúng cách

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến ngày 24-10, toàn tỉnh cơ bản đã hết các nhà bị ngập trong lũ lụt. Các tuyến đường giao thông đã thông thoáng, không có xã bị cô lập hay chia cắt. Công tác hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm… cũng được các đơn vị, tập thể, cá nhân đến với người dân.

leftcenterrightdel
Công tác cấp phát hàng cứu trợ cho đồng bào miền Trung có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng lộn xộn.

Tuy nhiên, có tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân mang hàng cứu trợ đến miền Trung do thiếu thông tin nên xảy ra tình trạng nơi ít bị thiệt hại lại nhận nhiều hàng cứu trợ gây nên những hiểu lầm, bức xúc. Bởi vậy, muốn biết cụ thể nơi nào cần cứu trợ gì thì phải nắm thông tin từ người dân, các đoàn thể và chính quyền địa phương.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Huyện đã thiết lập các điểm nhận hàng cứu trợ. Ban tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm để phân phối cho nhân dân kịp thời, công bằng, chu đáo. Từng thành viên phụ trách từng vùng được phân công trách nhiệm cụ thể, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.  

Do tâm lý ai đến cứu trợ cũng đều muốn trao tận tay người nhận, do đó, để tránh những lộn xộn, ông Tình cho biết họ cũng nên liên hệ với chính quyền địa phương để có người hướng dẫn cụ thể, đưa xuống địa bàn, trao tận tay cho người dân.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách", bởi vậy để công tác cứu trợ, giúp đỡ đồng bào miền Trung kịp thời và hiệu quả, rất cần sự phối hợp và tổ chức chặt chẽ.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, trận mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục địa phương. Ước tính ban đầu, toàn ngành có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách, vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh… bị hư hỏng, trôi dạt theo mưa lũ. Tổng thiệt hại ban đầu của ngành giáo dục Quảng Bình sau mưa lũ ước tính khoảng 370 tỷ đồng.

Bài, ảnh: THU HÀ - CHU ANH