Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra tại bãi bồi làng Dăng (xã Ia O). Hội đua thuyền năm nay có 39 đội tham gia (tăng 9 đội so với năm trước) đến từ các xã, thị trấn, trường học, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai và tỉnh bạn Kon Tum. Mỗi đội gồm 2 vận động viên, tham gia tranh tài trên đường đua dài 1.000m. Có 8 đội xuất sắc nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết hạng A; các đội còn lại sẽ tham gia vòng chung kết hạng B.

Các vận động viên đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô.
Cuộc đua diễn ra hấp dẫn, cuốn hút du khách.

Cùng với Hội đua thuyền, huyện Ia Grai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc khác như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng, thi dân vũ, thi trang phục truyền thống với gần 1.000 nghệ nhân và vận động viên tham gia. Tổ chức trên 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng của huyện cùng các gian hàng ẩm thực, đồ lưu niệm.

Lễ Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng được huyện Ia Grai tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống, giá trị văn hóa độc đáo của người dân gắn với dòng Pô Cô huyền thoại. Qua đó quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Các đoàn nghệ nhân trình diễn cồng chiêng.
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và nông sản đặc trưng của huyện Ia Grai.

Theo đồng chí Lê Ngọc Quý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai, việc tổ chức Hội đua thuyền độc mộc tranh Cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng là dịp để huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách gần xa những nét văn hóa độc đáo, các điểm du lịch đẹp như: Làng chài, Thác mơ, Bến đò A Sanh, Khu di tích chiến thắng Chư Nghé, thác 3 tầng, thác 9 tầng, Rừng Lùn...

“Khi đến với những danh lam, thắng cảnh của huyện Ia Grai, du khách được trải nghiệm, khám phá nét đẹp thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, không khí trong lành; được giao lưu, gặp gỡ với những con người thân thiện, mến khách, thưởng thức các món ẩm thực phong phú, sản vật đa dạng của địa phương. Đặc biệt, du khách sẽ được hòa mình cùng lễ hội với tiếng cồng, tiếng chiêng và điệu xoang quyến rũ. Đến với Ia Grai là đến với “Một miền biên giới bình yên, một miền biên giới làm say lòng người”, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai nhấn mạnh.

Tin, ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.